SERP là gì? Trên SERP gồm những thành phần nào? Bạn đã biết cách phân tích SERP để tối ưu SEO chưa? Ngay trong bài viết này, mình sẽ giúp bạn hiểu rõ mọi thứ về SERP vô cùng đơn giản. Xem tiếp nhé!
SERP là gì?
SERP (Search Engine Results Pages) là trang kết quả tìm kiếm của Google. Hiểu đơn giản, khi bạn tìm kiếm từ khóa, Google sẽ trả về danh sách các kết quả, có thể là: Bài viết, hình ảnh, bản đồ, video,… và đó chính là SERP.
Ví dụ, bạn tìm từ khóa “lập kế hoạch Content Marketing”, SERP sẽ hiển thị như ảnh này:

Vị trí trên SERP có quan trọng không?
Tỉ lệ nhấp vào trang sẽ tăng hơn 25% (trên điện thoại) và 32% (trên máy tính) nếu nội dung của bạn nằm ở vị trí đầu tiên trên SERP – Theo báo cáo từ Advanced Web Ranking.
SEO tốt sẽ giúp từ khóa lên top Google. Tuy vậy, vẫn có trường hợp dù đã “đặt chân” lên top 1 Google nhưng tỷ lệ nhấp vẫn khá thấp, không có nhiều traffic (lượt truy cập).
Vấn đề này xảy ra khi các website khác chạy quảng cáo và được Google đẫy trực tiếp lên các vị trí đầu tiên. Và dĩ nhiên, top 1 SEO sẽ bị lùi xuống. Ví dụ:

Thông thường, khi SEO từ khóa bán hàng (ví dụ: Mua vé máy bay, đăng ký dịch vụ SEO,…), bạn sẽ gặp vấn đề này.
Tóm lại, vị trí cao trên SERP rất quan trọng. Nhưng để có nhiều traffic, bạn cần làm cho nội dung nổi bật hơn thông qua: Tiêu đề độc đáo so với đối thủ, Meta Description hấp dẫn, lôi cuốn,…
Các thành phần xuất hiện trên SERP
1. Meta Title
Meta Title là tiêu đề bài viết được hiển thị trên SERP. Website sẽ thu về nhiều traffic (lượng truy cập) nếu bạn biết cách viết tiêu đề hay, độc đáo, hấp dẫn.

2. Meta description
Meta Description là đoạn mô tả nội dung chính của bài viết. Phần này xuất hiện ngay dưới Meta Title của mỗi kết quả tìm kiếm, cho phép người dùng biết sơ lược về nội dung chính của bài viết.

3. Review
Reviews là phần đánh giá nội dung website từ phía người dùng. Nó chính là các “ngôi sao màu vàng” hiển thị ngay dưới mỗi kết quả tìm kiếm giúp thu hút sự chú ý, tăng uy tín cho bài viết.

4. Sitelink
Sitelink là các liên kết đến “trang con” trên cùng một website. Loại liên kết này sẽ hiển thị ngay dưới kết quả tìm kiếm. Sitelink chỉ xuất hiện khi thuật toán Google cho rằng nó có thể giúp người dùng tìm ra câu trả lời dễ hơn.

5. Breadcrumb
Breadcrumb là đoạn mô tả cấu trúc website dẫn đến bài viết trên SERP, hiển thị ở khu vực URL website. Nó giúp người dùng hiểu được mô hình phân cấp trang web của bạn ngay trên SERP.

6. Featured Snippets
Featured Snippets là đoạn trích nổi bật ở đầu SERP, chứa câu trả lời mà người dùng đang tìm kiếm. Tỷ lệ nhấp (CTR) vào những trang có đoạn trích nổi bật sẽ cao hơn khá nhiều so với đối thủ trên cùng SERP.

Lưu ý: Không có cách tối ưu nào để Google lấy đoạn trích nổi bật trong bài viết của bạn. Vì nó phù thuộc vào truy vấn từ phía người dùng. Một mẹo giúp bạn dễ “được chọn” hơn là nghiên cứu Search Intent.
7. Shopping Ads
Shopping Ads là khu vực quảng cáo sản phẩm ở đầu SERP khi bạn tìm kiếm mặc hàng nào đó. Google sẽ cung cấp cho bạn một loạt thông tin gồm: Hình ảnh, tên sản phẩm, giá, thương hiệu, đánh giá,…

8. Hình ảnh
Kết quả tìm kiếm dạng hình ảnh sẽ xuất hiện khi Google nhận định nó hữu ích, giúp mô tả từ khóa. Ngoài ra, vị trí xuất hiện hình ảnh trên SERP sẽ là ngẫu nhiên, có thể ở đầu trang, giữa trang, trong đoạn trích nổi bật,…

Lưu ý: Bạn có thể bấm vào Xem tất cả hoặc mục Hình ảnh (bên dưới thanh tìm kiếm) để xem nhiều ảnh hơn.
9. Video
Trên SERP, thông thường các cụm từ khóa “hướng dẫn/ cách làm” sẽ cho ra kết quả là video Youtube. Ngoài ra, video có thể đóng vai trò như đoạn trích nổi bật, nếu nó phù hợp với truy vấn và Google đánh giá là hữu ích.

Lưu ý: Bạn có thể chọn Xem tất cả hoặc mục Video (bên dưới thanh tìm kiếm) lọc hết định dạng nội dung khác, chỉ xem video.
10. People also ask
People also ask là mục mọi người cũng hỏi. Nó gồm danh sách các câu hỏi phổ biến liên quan đến chủ đề bạn đang tìm kiếm. Khi bấm vào mũi tên bên phải sẽ có câu trả lời ngắn gọn từ website ngẫu nhiên (Google cho là hữu ích). Bạn có thể click vào tiêu đề bài viết để xem chi tiết nội dung.

11. Tìm kiếm có liên quan
Mục này thường nằm ở cuối trang, cung cấp thêm khoảng 8 từ khóa có liên quan với truy vấn của bạn. Khi nhấp vào sẽ biến thành một lượt tìm kiếm mới, giúp bạn có thêm nhiều thông tin về chủ đề.

12. Map
Chỉ cần tìm kiếm vị trí địa lý, quãng đường, khu vực,… Google sẽ tự động trả về kết quả ở dạng Map (bản đồ). Bạn có thể bấm vào bản đồ trên SERP để chuyển đến Google Map và biết nhiều thông tin hơn.

13. Knowledge Graph
Knowledge Graph là sơ đồ tri thức – một khối thông tin bên phải SERP, liên quan mật thiết đến truy vấn của người dùng. Google chỉ lấy nội dung từ nguồn có thẩm quyền (ví dụ như Wikipedia) để cho vào khối này.

14. See results about
Khi Google không xác định rõ bạn muốn tìm điều gì, mục See results about (xem kết quả về) thường hiện ra ở dưới sơ đồ tri thức.

15. Calculator
Calculator xuất hiện khi bạn tìm các truy vấn về toán học ví dụ: 10000/2, 100+3,… Ngoài ra, bạn có thể gõ từ khóa “máy tính” để sử dụng trực tiếp.

16. Kết quả truy vấn tự nhiên
Là thứ hạng trên SERP có được nhờ quá trình SEO từ khóa (Onpage, Offpage), tạo dựng thẩm quyền, tối ưu trải nghiệm người dùng (UX/ UI),…

17. Kết quả truy vấn mất phí
Là những kết quả tìm kiếm được mua quảng cáo từ Google để có thứ hạng cao. Đặc điểm nhận biết các dạng kết quả này là có chữ “Được tài trợ, Quảng cáo”.

Thông thường, 4 vị trí trên cùng sẽ dành cho nội dung chạy quảng cáo. Đối với các từ khóa tỷ lệ cạnh tranh cao, Google sẽ đặt thêm 3 khung quảng cáo ở cuối trang.
18. Công thức nấu ăn
Chỉ các bài viết chuyên về ẩm thực, có cung cấp công thức, quy trình nấu ăn mới có thể xuất hiện phần này trên SERP. Thông thường, công thức sẽ bao gồm: Thời gian chuẩn bị, chế biến, độ khó, lượng calo,…

19. Event
Trên SERP, Event là khối sự kiện, gồm: Ngày, giờ, địa điểm diễn ra lễ hội, buổi biểu diễn, hòa nhạc,… Bạn có thể thấy phần Event ở bên phải khi dùng máy tính và ngay đầu trang SERP nếu tìm kiếm trên di động.

20. Event schedule
Event schedule là khung cung cấp thông tin về lịch trình của sự kiện bạn tìm kiếm. Thông thường nó sẽ nằm đầu trang kết quả tìm kiếm, chia thành nhiều ô hình chữ nhật nhỏ, gồm: Ngày, giờ, tên,… Hoặc ở dạng Meta Description như ảnh này:

21. Sports
Kết quả tìm kiếm dạng Sports sẽ được hiển khi khi bạn truy vấn chủ đề thể thao (tỷ số, kết quả, lịch thi đấu, thông tin,…). Đặc biệt, nếu tìm kiếm tên đội thể thao nào đó, có thể bạn sẽ thấy: Thông tin đội tuyển, các trận đấu, link mua vé,…

22. Việc làm
Sau hơn 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm, Google đã cho ra mắt khung “Việc làm” – bao gồm các tin tuyển dụng. Bạn chỉ cần tìm kiếm “Tuyển dụng việc làm ở …” sẽ thấy được tính năng này ngay trên SERP.

23. Top Stories
Top Stories là bản tin hàng đầu – khu vực Google cho phép hiển thị các bài báo mới, nổi bật từ website uy tín. Lưu ý, nếu muốn bài viết của bạn trở thành Top Stories thì website phải được Google News xác thực và duyệt.

24. Local Pack
Local Pack sẽ bao gồm bản đồ và thông tin của 3 địa chỉ cửa hàng dựa trên từ khóa bạn tìm kiếm. Chỉ cần thêm địa chỉ cửa hàng vào Google Maps, Local Pack sẽ là lợi thế của các bạn kinh doanh tại địa phương.
Ví dụ: Khách hàng tìm kiếm “quán trà sữa ở Long An”. Quán trà sữa của bạn có khả năng cao sẽ được hiển thị trên SERP mà không cần làm SEO. (như hình bên dưới)

25. Chuyến bay
Với các truy vấn có liên quan đến chuyến bay, Google sẽ cung cấp cho bạn danh sách: Hãng hàng không, thời gian, chi phí,…

26. Hotel pack
Với kết quả tìm kiếm này, SERP sẽ hiển thị thông tin khách sạn (hình ảnh, giá cả, xếp hạng) trong phạm vi khu vực bạn tìm kiếm.

27. Khung trả lời trực tiếp
Một số trường hợp, Google sẽ trực tiếp trả lời câu hỏi của bạn. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, tăng tính chính xác và bạn không cần dò tìm trong bất kỳ bài viết nào. (Nhưng đứng ở vai trò SEOer thì đây là một “thiệt thòi” vì bị mất traffic)

Cách tăng thứ hạng website trên SERP là gì?
Cách dễ nhất để tăng thứ hạng trên SERP là mua quảng cáo từ Google. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện cách này với website mới tạo và một số từ khóa chủ đạo. Về lâu dài thì Kind Content tin rằng SEO mới là lựa chọn phù hợp nhất, có 2 nội dung chính cần tối ưu:
- SEO Onpage: Chủ yếu là viết bài chuẩn SEO.
- SEO Offpage: Chủ yếu là thu hút Backlink.
Các bước phân tích SERP hiệu quả
Bước 1: Chú ý vào lượt click
Đôi khi Google sẽ trực tiếp trả lời truy vấn của bạn thông qua đoạn trích nổi bật, khung trả lời trực tiếp, People also ask,… (như mình đã đề cập bên trên). Vì thế, người dùng không cần click vào nội dung của bạn.
Thế nên, nếu chỉ dựa vào volume (số lượt tìm kiếm) để chọn từ khóa, không chừng bạn chỉ thu hút được vài traffic (lượng truy cập). Ở thời điểm hiện tại, ngoài việc xem volume, bạn chú ý đến số lượt click để chọn ra từ khóa tốt.
Bước 2: Tìm từ khóa phụ
Có thể bạn chưa biết, một trang có thể lên top với hàng loạt từ khóa khác nhau. Ví dụ, mình có 3 từ khóa:
- Từ khóa chính
- Từ khóa phụ thứ nhất
- Từ khóa phụ thứ hai
Nếu “Từ khóa chính” không giúp trang lên top. Vẫn có khả năng, khi người dùng gõ “Từ khóa phụ thứ nhất” hoặc “Từ khóa phụ thứ hai” sẽ đưa trang lên top Google.
Chính vì thế, bạn cần nghiên cứu từ khóa. Sau đó tổng hợp và phân bổ đều vào nội dung bài viết một cách hợp lý. Sẽ có những từ khóa bị đối thủ bỏ qua, mức độ cạnh tranh thấp và nó sẽ giúp website có được thêm traffic.
[su_note note_color=”#F3FCFF”]Xem thêm: Hướng dẫn nghiên cứu từ khoá tối ưu SEO & Content Marketing[/su_note]
Bước 3: Kiểm tra Backlink top 10 trên SERP
Google chưa có kết luận trực tiếp nào về việc Backlink giúp từ khóa lên top. Nhưng theo nghiên cứu của Ahref lại cho thấy, website nhận nhiều Backlink có tỷ lệ đứng top cao hơn.
Hãy sử dụng Ahref để kiểm tra số lượng Backlink của đối thủ. Cùng một từ khóa, nếu xuất hiện 1 trong 10 đối thủ đầu tiên trên SERP có dưới 20 Backlink thì đây là tín hiệu khả thi. Bạn có thể tối ưu SEO và đi liên kết ngược để “thay chân” vào vị trí đó.
Bước 4: Phân tích DR và UR
- DR (Domain Rating): Sức mạnh và mức độ thẩm quyền của domain.
- UR (URL Rating): Sức mạnh và độ uy tín của URL.
Một từ khóa khả thi nếu xuất hiện tối thiểu 1 website trong top 10 đối thủ trên SERP có:
- Chỉ số DR: Dưới 30 điểm.
- Chỉ số UR: Dưới 20 điểm.
Lưu ý: Mức điểm này chỉ để tham khảo, tùy thuộc vào từng từ khóa sẽ có sự chênh lệch. Nhìn chung, nếu có website được chấm điểm giao động từ 0 – 40 nghĩa là bạn có khả năng cạnh tranh từ khóa đó.
Bước 5: Nghiên cứu ý định tìm kiếm
Biết nghiên cứu Search Intent (ý định tìm kiếm) cho phép bạn hiểu được người dùng muốn gì, và đáp ứng nhu cầu của họ. Ngoài ra, việc này còn giúp nội dung của bạn tăng tỷ lệ được Google chọn làm đoạn trích nổi bật.
Bước 6: Từ khóa và loại nội dung
Bạn sản xuất nội dung rất hay, đầy đủ thông tin, văn phong mạch lạc,… Tuy nhiên không thu hút được nhiều traffic. Vấn đề này có thể đến từ việc nội dung không phù hợp với từ khóa.
Ví dụ: Mình gõ từ khóa cần viết là “Thiết kế phòng ngủ” lên Google:

Top 10 đối thủ hầu hết đều là nội dung dạng list (danh sách). Đồng nghĩa, với từ khóa này, người dùng muốn xem thêm thông tin, tham khảo mẫu thiết kế phòng ngủ. Nếu bạn viết theo hướng bán dịch vụ thiết kế sẽ cực kỳ khó để lên top.
Một ví dụ khác:
Mình gõ từ khóa “Học nấu cháo dinh dưỡng online” lên Google:

Kết quả nhận về là các video hướng dẫn nấu cháo. Nghĩa là từ khóa này nên triển khai theo loại content cung cấp thông tin, kiến thức.
Vẫn chủ đề đó, nhưng với từ khóa “Khóa học nấu cháo dinh dưỡng”:

Google trả về toàn kết quả bài viết giới thiệu khóa học. Nghĩa là từ khóa này nên khai thác theo loại content bán hàng.
Bước 7: Chọn định dạng nội dung
Tiếp tục với ví dụ “Thiết kế phòng ngủ”, kết quả Google trả về:
- Tổng hợp 100+ mẫu thiết kế nội thất phòng ngủ
- 50+ Mẫu thiết kế nội thất phòng ngủ
- Top 55+ mẫu thiết kế nội thất phòng ngủ
- …

Hầu hết là định dạng list (danh sách). Bạn phát triển nội dung theo cách này, tối ưu nó đầy đủ, hay và độc đáo hơn thì khả năng lên top sẽ cao hơn.
Các định dạng nội dung phổ biến:
- Step-by-step: Hướng dẫn từng bước (ví dụ: Hướng dẫn 7 bước).
- List: Danh sách (ví dụ: Top 10, 8 mẹo).
- Review: Đánh giá (Ví dụ: Đánh giá iPhone 7).
- Case study: Câu chuyện thành công (Ví dụ: Kiếm 100 triệu/ tháng ở tuổi 19).
- Comparison: So sánh (Ví dụ: So sánh Apple và Samsung).
- How-to Guide: Hướng dẫn (Ví dụ: Hướng dẫn 9 cách tìm khách hàng content).
Bước 8: Đánh giá nội dung trên SERP
Hãy xem nội dung của top 10 đối thủ và đánh giá:
- Đã đầy đủ chưa?
- Cấu trúc có logic không?
- Cách hành văn có dễ hiểu không?
- Trình bày nội dung có dễ nhìn không?
- …
Tóm lại, bạn phải đưa mình vào vai một người xem thông tin thực thụ. Đưa ra những đánh giá khắt khe. Từ đó khắc phục mọi thứ trong bài viết của bạn để tạo 10x Content.
Bước 9: Tần suất nhận Backlink
Sử dụng Ahref để kiểm tra nhé:
- Bước 1: Bỏ từ khóa vào Ahrefs Keyword Explorer, tìm đến phần SERP Overview.
- Bước 2: Bấm vào biểu tượng Mũi tên xanh lá (bên phải URL bài viết), chọn Overview.
- Bước 3: Vào New tại khu vực Backlink Profile.
- Bước 4: Xem tần suất nhận Backlink của đối thủ.
Ví dụ, website A có từ khóa “SERP là gì”:
- 8 ngày nhận 5 Backlink
- 30 ngày nhận 17 Backlink
- 60 ngày nhận 32 Backlink
Trung bình cứ 2 ngày website A sẽ có 1 Backlink. Để vượt mặt Website A, số liên kết ngược bạn cần khoảng 19 Backlink/ tháng, tương đương 5 Backlink/ tuần.
Bước 10: Tạo nội dung
Dựa trên những thông tin đã phân tích từ SERP ở trên, bạn sẽ viết nội dung, lên lộ trình SEO từ khóa phù hợp.
Một số công cụ khác giúp phân tích SERP
SEOquake
SEOquake là tiện ích mở rộng hỗ trợ SEO được phát triển bởi SEMrush. Lợi ích:
- Nắm chi tiết dữ liệu về Backlink.
- Xác định điểm mạnh/ yếu của đối thủ.
- Đánh giá mức độ khó cạnh tranh của từ khóa.
- Phân tích Internal link và External link.
- Xem báo cáo SEO của mọi website.
- …
SERP Checker by Mangools
SERP Checker by Mangools có hơn 45 chỉ số SEO (chuyên dùng để phân tích SERP). Lợi ích:
- Phân tích xếp hạng.
- Kiểm tra SERP Feature.
- Xác định điểm mạnh/ yếu của đối thủ.
- Đánh giá kết quả trên thiết bị di động và máy tính.
- So sánh các website.
- Xem kết quả xếp hạng theo khu vực.
- …
Moz SERP Analysis
Moz SERP Analysis không phải là công cụ độc lập, nó được tích hợp trong Keyword Explorer, được phát triển bởi Moz. Lợi ích:
- Đo lường hiệu quả SEO bằng các chỉ số đặc biệt của Moz.
- Đưa ra góc nhìn tổng quan về top 10 đối thủ.
- Phân tích điểm mạnh/ yếu của đối thủ.
- Hàng loạt số liệu như: Độ khó từ khóa, độ ưu tiên, Domain Authority, Page Authority,…
- …
Lời kết
Chắc hẳn bạn đã hiểu SERP là gì sau khi xem bài viết này. SERP là yếu tố không thể thiếu đối với SEO. Và bạn có thể tận dụng những thứ có sẵn trên SERP để tối ưu hóa quá trình SEO website. Thực hành ngay nhé!