Content chuẩn SEO là gì? Làm thế nào để biết cách viết bài chuẩn SEO theo một quy trình bài bản và đem lại hiệu quả?
Với kinh nghiệm viết hơn 50.000 Content SEO, mình tin kiến thức và kinh nghiệm trong bài viết này có thể giúp được bạn. Yên tâm đọc thật kỹ và chịu khó rèn luyện bạn sẽ đi làm được ngay.
Cùng xem qua những gì bạn sẽ được trong bài viết này nhé:
- Hiểu rõ Content chuẩn SEO là gì?
- Quy trình viết bài chuẩn SEO chuyên nghiệp.
- 57 checklist tối ưu Content SEO đầy đủ nhất.
- Tránh 20 lỗi thường gặp khi viết bài chuẩn SEO.
- Lộ trình học tập để Master content chuẩn SEO.
Trước đó, chúng ta sẽ bắt đầu từ khái niệm cơ bản nhất về SEO đã nhé…
SEO là gì?
SEO là viết tắt của cụm từ “Search Engine Optimization”. Là tập hợp những phương pháp tối ưu hoá để đưa website của bạn lên top Google (hoặc Bing, Cốc Cốc, Firefox,…).
Hay nói cách dễ hiểu hơn là SEO giúp mang sản phẩm/ dịch vụ của bạn lên Google. Khi khách hàng tiềm năng cần tìm thông tin gì đó liên quan tới lĩnh vực của bạn, thì sẽ thấy bài viết của bạn đầu tiên.
Ví dụ, nếu như bạn tìm từ khoá “Kind Content” trên Google, bạn sẽ thấy website của mình ngay ở trang đầu. Điều này giúp Kind Content tiếp cận được khách hàng thường xuyên. Đó chính là thành quả của SEO.
Content là gì?
Content (nội dung) là những thông tin truyền tải đến khán giả ở nhiều dạng khác nhau, như một bài viết trên blog, báo chí, các trang mạng xã hội, video, hình ảnh, tờ rơi,… Đều là Content.
Một cá nhân hay doanh nghiệp có thể sử dụng content để chia sẻ, cung cấp những thông tin về kiến thức, quảng cáo, giới thiệu, review… Một dịch vụ/sản phẩm nào đó.
Content chuẩn SEO là gì?
Kết hợp khái niệm Content và SEO, thì Content chuẩn SEO là bài viết vừa cung cấp thông tin cho người đọc, vừa đảm bảo tối ưu các yếu tố kỹ thuật SEO.
Mỗi 1 bài viết chuẩn SEO thường có 1 từ khoá chính và 4 – 5 từ khoá phụ, cùng hàng trăm từ khoá biến thể đi kèm. Khi người dùng tìm kiếm các từ khoá này, họ sẽ thấy bài viết của bạn. (Miễn là bạn làm SEO tốt)
Chính bài viết bạn đang đọc cũng là một bài viết chuẩn SEO đã được tối ưu, và đương nhiên nó cũng rất hữu ích với người đang quan tâm tới Content Marketing.
Sau giải thích sơ lược của mình, chắc bạn hiểu content SEO là gì rồi chứ? Nếu rồi thì cùng học cách tạo ra chúng nhé…
Hướng dẫn cách viết bài chuẩn SEO
Bạn áp dụng quy trình 6 bước này thì việc viết chuẩn bài SEO sẽ cực kỳ dễ dàng và đảm bảo chất lượng.
Bước 1: Nghiên cứu từ khóa (Keyword)
Bạn sẽ tìm hiểu xem người dùng đang tìm kiếm những từ khoá gì, để từ đó viết bài đáp ứng. Mình khuyên bạn nên sử dụng các công cụ tìm kiếm dưới đây…
Tìm kiếm theo công cụ Keywordtool.io
Keywordtool là công cụ hỗ mà người mới sẽ thích ngay từ lần dùng đầu tiên. Bản miễn phí của tool rất dễ dùng mà lại chính xác, chẳng thua gì tool trả phí.
Để sử dụng, bạn sẽ cần có một “từ khoá mầm”. Bạn nhập từ khoá này vào và tìm kiếm, tool sẽ trả về cho bạn tất cả các từ khoá liên quan đến cụm từ bạn mới nhập.
“Từ khóa mầm” ở đây có thể là một chủ đề, một sản phẩm nào đó mà bạn đang muốn viết. Ví dụ như Kind Content đang khai thác những nội dung xoay quanh “Content Marketing”, thì từ khóa mầm đơn giản cũng là “Content Marketing”.
Thế là bạn đã có một danh sách từ khoá dựa trên từ khoá mầm rồi. Lúc này bạn có thể tới bước 2 luôn, hoặc dùng thêm công cụ Ahrefs để tìm thêm nhiều từ khoá hơn.
Tìm kiếm với công cụ Ahrefs
Ahrefs là một trong những công cụ tìm kiếm từ khóa tốt nhất hiện nay, siêu nhanh và hiệu quả.
Ngoài việc gợi ý từ khoá liên quan, Ahrefs còn chia ra mục những từ khoá câu hỏi, những cụm từ khoá đồng nghĩa, những bộ từ khoá của đối thủ,… Nói chung là tất tần tật.
Để dùng Ahrefs, bạn có thể đăng ký trên trang chủ với mức giá 99$/tháng. Hoặc search “Ahrefs mua chung”, hình thức này có nghĩa là bạn sẽ mua chung cùng với người khác, chia nhau ra thì tốn khoảng 200k/tháng. (Lưu ý: Tự tìm hiểu kỹ trước khi mua)
Tìm kiếm với Google Search Box
Nghiên cứu từ khoá trên chính cửa sổ tìm kiếm của Google. Không cần đăng ký tài khoản, không mất phí, dễ dùng và chính xác tuyệt đối.
Như tìm kiếm thông thường, bạn hãy gõ từ khoá mầm vào, và Google sẽ gợi ý cho bạn các từ khoá liên quan khác.
Sau đó hãy kéo xuống gần cuối trang tìm kiếm của Google để xem mục gợi ý từ khoá của Google.
Cách này hơi tốn thời gian, bạn chỉ nên áp dụng khi muốn phát triển thêm các nội dung mới, chia sẻ hữu ích, hoặc nội dung đang là trend nhé.
Bước 2: Nhóm từ khoá thành một chủ đề
Sau khi bạn nghiên cứu ở bước 1, bạn sẽ thu về được hàng trăm, hàng ngàn từ khóa. Và vì có những từ khóa sẽ giống nhau về mặt ý nghĩa nên chúng ta sẽ cần nhóm tất cả chúng lại vào một chủ đề duy nhất.
Tại sao ngày xưa không cần nhóm từ khóa, nhưng giờ lại cần?
Những năm về trước, lúc Google Bot chưa hiểu được ý định của người dùng thì chúng ta có cách viết bài chuẩn SEO là “mỗi từ khoá là một bài viết”.
Ví dụ: Khi xưa, tìm “đau bao tử” và “đau dạ dày” thì Google sẽ ra 2 bài viết khác nhau. Nên ngày xưa chúng ta phải viết 2 bài khác nhau cho 2 từ khóa này.
Nhưng bây giờ, Google Bot đã thông minh rồi, bạn tìm một trong hai từ khoá thì nó vẫn ra đúng một bài viết. Vì Google Bot bây giờ đã hiểu “đau bao tử” và “đau dạ dày” là hai từ giống nhau.
Nên việc nhóm từ khoá vào một bài sẽ tiết kiệm chi phí, tối đa hiệu quả cho một SEO Content. Là việc phải làm!
Vậy nhóm từ khoá thế nào cho chuẩn?
Để nhóm từ khoá, mình có những nguyên tắc chính như sau:
- Dựa vào ý định người dùng: Những cái từ khoá mà có chung một mục đích tìm kiếm thì bạn liệt kê hết vào một bài.
- Những từ khóa gần giống nhau: Học viết content, học viết content marketing, học viết content ở đâu,…
- Những từ khoá đồng nghĩa: Cách viết content chuẩn SEO, hướng dẫn viết bài SEO, cách viết bài SEO,…
- Dựa vào từ khóa chính để tìm từ khoá con: Ví dụ từ “cách viết content SEO” sẽ có những từ khoá con là: cách viết bài chuẩn SEO trên facebook, cách viết bài chuẩn SEO wordpress, cách viết content PR,…
Cho bạn xem một ví dụ thực tế của việc phân nhóm từ khoá của Kind Content:
Từ khoá in đậm trong ảnh chính là từ khoá chính, có nhiều người tìm kiếm nhất. Mình sẽ tập trung vào từ khoá này nhiều nhất. Còn các từ khóa phụ sẽ ít cần tập trung hơn, chỉ cần nhắc 1 – 2 lần trong bài là ổn.
Cụ thể cách nhóm từ khóa thế nào, dùng những tool gì cho nhanh thì bạn vào đây đọc nhé: Hướng dẫn nghiên cứu từ khoá tối ưu SEO & Content Marketing.
Kết thúc bước này, bạn phải chắc chắn là đã có danh sách từ khoá cho từng bài viết rồi đó nhé!
Bước 3: Lập dàn ý (Outline) nội dung cho bài viết
Lập outline hay còn gọi là lập dàn ý cho bài viết. Đây là bước quyết định sự thành hay bại của content chuẩn SEO, không nói quá chút nào đâu.
Bước này không đơn giản và cũng khá dài dòng nên mình đã tách ra thành một bài viết riêng rồi: Cách lập Outline bài viết chuẩn SEO cho người mới.
Bước 4: Tiến hành viết bài
Nếu bạn đã lập được một cái outline chuẩn thì việc viết tiếp theo sẽ dễ hơn rất nhiều. Nhưng cụ thể cách viết bài chuẩn SEO như thế nào? Làm sao để viết từng chữ, từng câu? Dưới đây là 2 cách mình thường dùng…
Lưu ý: Bước này bạn cứ tập trung viết ra một bản nháp hoàn chỉnh, giúp ích cho người dùng chứ chưa cần quan tâm tới tối ưu SEO nhé. Viết một mạch chứ đừng quay lại sửa, để tới bước 06 rồi mới sửa nhé.
Cách 1: Tự viết, biết gì viết đó
Nếu như bạn đã hiểu rõ vấn đề đó thì kể về nó hẳn rất dễ đúng không? Chắc chắn rồi.
Nhưng nếu bạn chưa hiểu thì sao?Không sao cả. Tất cả những gì bạn cần làm là tìm hiểu thật kỹ về cái chủ đề bạn muốn viết:
- Bạn cần nghiên cứu sản phẩm, thương hiệu để nổi bật được chúng trong bài viết.
- Bạn cần nghiên cứu khách hàng để viết về những thứ họ muốn nghe.
- Nghiên cứu những bài viết của đối thủ để tham khảo.
- Tự tìm tòi sách báo, đi học để tích luỹ thêm kinh nghiệm lĩnh vực đó.
- Tăng trải nghiệm của bạn bằng cách đi, học, đọc liên tục.
Sau khi bạn hiểu rõ chủ đề rồi, hãy cứ là bạn và viết những thứ bạn hiểu. Cứ viết một loạt từ đầu đến cuối bài viết, tuyệt đối không quay lại sửa, khi nào viết xong toàn bộ rồi mới tối ưu sau.
Cách 2: Viết lại bài khác
Cách này là nhìn vào bài khác và đổi câu từ của họ thành của ta. Hay còn gọi là Content Curation, hoặc gọi ngôn ngữ dễ hiểu nhất là xào nấu.
Xào nấu chẳng có gì xấu cả, nhưng sẽ có xào nấu tệ và xào nấu tốt. Đây là những điều bạn cần lưu ý:
- Xào nấu từ nhiều nguồn, chứ đừng xào nấu từ một nguồn.
- Đổi một hai từ chưa đủ, phải đổi cả câu.
- Bạn phải viết theo giọng văn của bạn.
- Chọn lọc ra những ý hay nhất.
- Xào nấu là một nghệ thuật, chứ không phải copy.
- Bạn nên dùng tool Spin Content trước để hạn chế trùng lặp, xong sau đó lại tiếp tục sửa câu từ cho mượt mà, trơn tru.
- Và luôn nhớ rằng, khi viết lại, bạn tập trung vào viết ngắn hơn, gọn hơn, đầy đủ ý hơn, hay hơn.
Vậy đó. Trên là là hai cách dễ nhất mà mình hay dùng. Nếu bạn muốn bài viết hay hơn nữa thì nên kết hợp cả bước 1 và bước 2, vừa tự suy nghĩ viết bài, vừa chắt lọc các ý hay của đối thủ.
Chú ý: Khi kết thúc bước này, bạn phải đảm bảo là đã có một bản viết nháp hoàn chỉnh. Chưa cần quan tâm tới câu từ vội, mình sẽ vừa trau chuốt vừa tối ưu SEO ở bước tiếp theo.
Bước 5: Tối ưu chuẩn SEO và UX/ UI với 57 checklist
Sau khi viết xong phiên bản đầu tiên, đây là lúc bạn cần tối ưu chuẩn SEO và trau chuốt câu từ, trau chuốt cách trình bày để tối ưu trải nghiệm người dùng (UX/ UI).
Dưới đây là bảng Kind Content dùng để thực thi luôn nên câu từ cực kỳ ngắn gọn và dễ hiểu, bạn đọc và áp dụng theo nhé.
STT | Tiêu chí | Tiêu chí bài viết chuẩn seo |
---|---|---|
1 | Title | Tiêu đề thu hút, mô tả được chủ đề bài viết. |
2 | Từ khoá chính nên đặt ở phần đầu tiên của tiêu đề. | |
3 | Độ dài từ 55 – 65 ký tự. | |
4 | Meta Description, Sapo | Nên áp dụng công thức viết content APP, AIDA, FAB, BAB, PAS,… để viết phần mô tả hấp dẫn. |
5 | Chèn từ khóa chính, nếu hợp lý thì chèn cả từ khóa phụ. | |
6 | Độ dài từ 150 – 160 ký tự. | |
7 | Nhắc tới tên thương hiệu. | |
8 | Heading | Các Heading 2, heading 3 rõ ràng, mô tả được nội dung bài viết. |
9 | Ít nhất một heading 2 và một heading 3 chứa từ khóa chính. | |
10 | Heading 2, 3 chứa từ khóa phụ nếu hợp lý. | |
11 | Mật độ từ khóa | Từ khóa chính xuất hiện 1 – 3%, từ khóa phụ xuất hiện 1 – 2 lần. |
12 | Từ khóa phân bổ đều trong nội dung. | |
13 | Chỉ chèn từ khóa chỗ nào hợp lý, tránh lạm dụng. | |
14 | URL | URL mô tả được nội dung chính của bài viết. |
15 | URL bài viết chứa từ khóa chính, chứa thêm từ khoá phụ nếu nó ngắn và hợp lý. | |
16 | Định dạng tiếng Việt không dấu, ví dụ: key-chinh-key-phu-bai-viet | |
17 | Outline | Nghiên cứu và tổng hợp từ top 10 đối thủ và kiến thức chuyên môn từ cá nhân. |
18 | Nội dung chữ | Xoay quanh chủ đề chính. Cái gì không liên quan thì xóa ngay. |
19 | Mỗi đoạn văn từ 2 – 3 câu. Chỉ có 2 đoạn văn 4 câu trong bài. | |
20 | Viết câu văn không dài quá 30 chữ. | |
21 | Dùng từ ngữ dễ hiểu, không dùng từ chuyên ngành. | |
22 | Sử dụng bullet point liệt kê ngắn gọn thay vì chèn cả cục text. | |
23 | Không dùng các từ “nhất”, “số 1” để mô tả sản phẩm/ dịch vụ. | |
24 | Đề cập tới điểm mạnh của thương hiệu để tăng chuyển đổi | |
25 | Ưu tiên và nổi bật sản phẩm của thương hiệu, hạn chế nhắc về đối thủ. | |
26 | Ưu tiên các ý quan trọng nhất lên đầu bài viết. | |
27 | Định dạng | In đậm những ý bạn muốn nhấn mạnh. |
28 | In nghiêng cho chú thích, quotes. | |
29 | Không cần in đậm từ khóa. | |
30 | Xưng hô | Xưng hô bằng tên thương hiệu, chúng tôi |
31 | Unique | Tỉ lệ trùng lặp 0%. Trừ những câu bắt buộc như thông số sản phẩm, luật, câu quá phổ biến hoặc quá ngắn,… |
32 | Sử dụng công cụ kiểm tra trùng lặp như SpinEditor, CopyScape. | |
33 | Nguồn ảnh | Tìm nguồn hình ảnh nét, đẹp, không có logo của đối thủ |
34 | Đuôi ảnh | Tìm hình ảnh là JPG hoặc JPEG, không để PNG. |
35 | Kích thước ảnh | Ảnh trong bài viết ngang từ 600px – 1000px, chiều cao 400px – 600px. |
36 | Thumbnail | Ảnh thumbnail ngang 1200px, dọc 630px. |
37 | Dung lượng ảnh | Đưa lên tinypng.com nén, tối ưu dung lượng < 200KB/ ảnh |
38 | Số lượng ảnh | Từ 3 ảnh trở lên. Cứ 200 chữ là có một ảnh. |
39 | SEO ảnh | Alt, caption, chú thích chứa từ khóa chính và từ khóa phụ nếu hợp lý. |
40 | Đặt tên ảnh | Không dấu, mô tả ý nghĩa ảnh, nối bằng dấu gạch ngang: Vi-du-nhu-the-nay |
41 | Chú thích ảnh | Đặt chú thích theo ý nghĩa của tấm ảnh. |
42 | Bố trí hình ảnh | Căn ảnh nằm giữa trang. |
43 | Màu hình ảnh | Thiết kế hình ảnh theo định vị thương hiệu nếu cần. |
44 | Video | Gắn link trên youtube nếu có. |
45 | Kêu gọi (CTA) | Kêu gọi mua hàng tăng chuyển đổi |
46 | Kêu gọi đọc bài viết liên quan | |
47 | Kêu gọi vào danh mục sản phẩm/ dịch vụ | |
48 | Internallink | Link tới trang chủ |
49 | Link tới bài viết liên quan | |
50 | Link tới danh mục sản phẩm/ dịch vụ | |
51 | Link tới sản phẩm nhắc tới trong bài | |
52 | Link theo Topic Cluster hoặc SILO nếu có | |
53 | Externa Link | Một link out vào trang uy tín (ví dụ wikipedia) |
54 | Anchor Text | Không dùng link trần, đặt anchor text có ý nghĩa để điều hướng người đọc. |
55 | Thẻ tags | Nhập các từ khóa phụ, từ khóa ngách chưa đề cập được (hoặc ít đề cập) trong bài |
56 | Kết bài | Tóm gọn vấn đề, 100 từ cuối cùng có chứa key chính. |
Bước 6: Đăng bài, theo dõi, cải tiến
Sau khi sửa lại và tối ưu chuẩn SEO cho content. Chúng ta tiếp tới bước cuối cùng…
- Trước khi đăng: Nhớ kiểm tra bài viết đã chuẩn SEO chưa, câu từ đã gọn chưa, hay có bị trùng lặp nội dung không?
- Đăng bài: Tuỳ lĩnh vực mà mật độ đăng bài sẽ khác nhau. Ví dụ như Kind thì tuần 2 – 3 bài là đủ rồi.
- Theo dõi: Sau khi đăng, bạn cần theo dõi trên Google Analytics liên tục để chắc chắn bài viết của bạn đạt hiệu quả tốt, và kịp thời sửa đổi nếu bài viết chưa tốt.
- Cải tiến: Sau một thời gian, hãy đọc lại content của mình xem có thêm hay bớt đi được thông tin gì không, xem có câu từ nào hay hơn không và cải tiến nó. Google rất thích điều này.
Tài liệu để thành thạo Content SEO
Làm được những bước trên bạn đã có một content chuẩn SEO khá tốt rồi đấy, nhưng nếu tốt hơn được thì tại sao không nhỉ?
Đây là những tài liệu kèm theo bạn cần để lên một tầm cao mới:
- Hiểu 22 yếu tố đánh giá một content chất lượng.
- Tránh 20 lưu ý khi viết bài chuẩn SEO.
- Trau chuốt câu từ với 88+ Checklist viết content thu hút tới từng chi tiết.
- Đăng ký học thêm những khóa học Content Marketing để nâng cao kỹ năng viết cũng như các kỹ năng liên quan như (SEO, Marketing, Website, thiết kế căn bản,…)
Kết,
Nắm được các nội dung trên chắc bạn cũng hiểu rõ content chuẩn SEO là gì và cách viết bài chuẩn SEO rồi nhỉ? Chúc các bạn thành công, tạo được Content SEO ưng ý nhé.