Theo nghiên cứu từ Brafton: Có đến 70% bài viết của doanh nghiệp không tạo ra hiệu quả? Đa phần vì lỗi cấu trúc câu, sai ngữ pháp, diễn đạt khó hiểu,…
Nếu không “dọn dẹp” và tối ưu lại thì bài viết đó có thể ảnh hưởng tới cả một cái Website. Và theo mình thì… rất nhiều bạn bỏ qua việc Audit Content.
Trong bài viết này, mình sẽ chỉ bạn cách rà soát nội dung có hệ thống để tăng rank nhanh, giữ khách lâu và tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Và đặc biệt: Bạn không cần chi tiền mua tool (hàng trăm $/ tháng), vẫn có thể Audit Content từ A-Z nhé.
Audit Content là gì?
Audit Content là quá trình kiểm tra, phân tích toàn bộ nội dung hiện có trên website, blog. Việc này giúp bạn hiểu chính xác đâu là content hiệu quả, đâu là phần dư thừa hoặc lỗi thời để từ đó có chiến lược tối ưu lại.
Ví dụ: Bạn có 52 bài blog, nhưng chỉ 3 bài có traffic tốt và convert. Audit content sẽ giúp bạn phát hiện điểm yếu của 49 bài còn lại, từ đó biết nên xoá, cập nhật hay liên kết nội bộ lại ra sao.
Mục tiêu
Audit Content không khó như bạn tưởng, thực chất nó giống như việc bạn… dọn dẹp tủ đồ.
Mình giữ lại những cái còn mặc được, tân trang lại mấy cái gần hỏng, vứt đi đồ quá lỗi thời và xếp lại ngăn nắp để dễ phối hơn.
Tương tự, một content audit giúp bạn:
- Phát hiện nội dung trùng lặp, sai thông tin hoặc đã lỗi thời
- Tối ưu các bài viết tiềm năng: thêm từ khóa, CTA, internal link, định dạng lại cho dễ đọc
- Xác định content nào đang góp phần tăng chuyển đổi, traffic để tập trung đẩy mạnh
- Loại bỏ hoặc gộp các bài viết không hiệu quả, tránh loãng chủ đề
- Tìm ra Content Gap, những chủ đề người dùng tìm nhưng chưa có bài viết đáp ứng
Mình đặc biệt thích dùng Audit Content trước mỗi lần làm lại Content Plan. Nó cho mình dữ liệu cực kỳ có giá trị để quyết định đăng cái gì, xoá gì, giữ gì.
Khi nào cần thực hiện?
Nếu bạn đang tự hỏi “bao lâu thì audit 1 lần là đủ?”, thì tùy nhé:
- Khi traffic giảm bất thường: Có thể do nội dung lỗi thời, sai intent
- Trước khi ra plan mới: Audit giúp bạn thấy lỗ hổng và cơ hội tiềm ẩn
- Sau những đợt Google Update: Giúp xác định content nào bị ảnh hưởng
Ví dụ điển hình là hồi tháng 8/2023 bên mình có bàn giao dự án với 11.000 traffic, nhưng chỉ sau đó có 2 tháng thì traffic giảm phân nửa do Google Core Update.

Ngay sau đó bên mình hỗ trợ khách hàng Audit lại toàn bộ Content, xóa đi những phần nội dung thừa, vì Google muốn nội dung đúng Search Intent nhất, chứ không phải cái gì cũng bỏ vào bài viết.
Chỉ nhờ việc xóa đi phần thừa, traffic web cải thiện lên 10.100 trong tháng tiếp theo.
Tới tháng 3/2024 sau khi được bên mình duy trì, traffic còn tăng lên 14.800/ tháng.

Vậy nên, không phải chỉ Audit định kỳ đâu, mà bất cứ biến động nào từ thị trường cũng đều phải xử lý bạn nhé.
Chỉ cần đi qua 7 bước mình sắp chia sẻ bên dưới, bạn sẽ biết cách Audit Content từ A-Z.
Bước 1. Xóa hoặc Redirect những trang có hiệu suất thấp
Việc đầu tiên khi Audit Content là xác định và xử lý những trang không mang lại traffic, không tạo chuyển đổi.
Nói cách khác: Bạn cần tìm và dọn sạch các nội dung “rác” trên website.
Vì sao nên bắt đầu từ đây?
Nếu bạn đã từng đăng hàng trăm bài viết, chắc chắn sẽ có những bài không còn giá trị, hoặc chưa bao giờ mang lại kết quả.
Dọn dẹp trước sẽ giúp bạn:
- Dễ tập trung cải thiện những bài có tiềm năng
- Giảm nội dung trùng lặp hoặc loãng chủ đề
- Tăng chất lượng tổng thể và crawl budget của Google
Cách phát hiện bài viết có hiệu suất thấp:
Vào GA4 → Reports → Engagement → Landing pages → Dấu mũi tên chỗ Sessions
Sau đó bạn sẽ thấy những trang ít traffic nhất sẽ hiện đầu tiên.

Lưu ý: Có thể bạn sẽ thấy vài trang kỳ lạ do lỗi kỹ thuật hoặc URL không tồn tại, bỏ qua là được. Như ảnh mình đang ở trang 3 nên mấy ký tự lạ đã bỏ qua rồi.
Khi đã có danh sách, bạn nên:
- Delete (xóa) nếu nội dung cũ, không có giá trị
- Merge (gộp) nếu trùng ý với bài khác
- Redirect 301 nếu muốn chuyển link cũ sang một bài liên quan
- Update nếu bài viết có tiềm năng nhưng sơ sài
Ví dụ:
- Bài viết tóm tắt sự kiện từ năm 2017? → Xóa.
- Bài hướng dẫn hay nhưng ngắn và thiếu ví dụ? → Gộp hoặc viết lại cho chất lượng hơn.
Bước 2: Kiểm tra traffic, CTR và thứ hạng từ khóa
Sau khi đã xử lý các trang kém hiệu quả, giờ là lúc kiểm tra hiệu suất nội dung đang còn lại, thông qua các chỉ số thực tế từ Google Search Console.
Các chỉ số bạn cần quan tâm:
- Clicks → lượng người truy cập (Traffic)
- Impressions → số lần bài viết xuất hiện trên kết quả tìm kiếm
- CTR (Click-through Rate) → tỷ lệ nhấp
- Average Position → vị trí trung bình trên Google
Cách thực hiện:
- Vào Google Search Console
- Chọn mục: Hiệu suất › Kết quả tìm kiếm
- Ở phần “Khoảng thời gian”, chọn mốc từ 3–6 tháng
- Chuyển sang tab Trang (Pages) để xem dữ liệu theo từng URL
- Bấm Xuất dữ liệu ra Google Sheets hoặc Excel để tiện phân tích

Sau đó, bạn sẽ có một bảng tổng hợp danh sách các URL với đầy đủ số liệu: Clicks, Impressions, CTR và Vị trí trung bình.
Như mình, xuất lên Google Sheet cho tiện thao tác:

Từ đây, bạn có thể dễ dàng:
- Phát hiện bài có CTR thấp nhưng Impression cao → Có thể tối ưu lại title/meta để tăng tỷ lệ nhấp
- Bài có vị trí trung bình cao nhưng ít traffic → Cần bổ sung liên kết nội bộ hoặc đẩy backlink
- Bài có clicks cao → Xem có thể cải thiện thêm để giữ chân người đọc, tăng chuyển đổi
Bước 3: Đo lường hiệu quả nội dung (Time on Page & Event)
Sau khi đã biết bài viết nào có traffic và hiển thị tốt (nhờ bước 2), giờ là lúc kiểm tra chất lượng tương tác của người dùng trên trang.
Cách thực hiện:
- Vào GA4
- Chọn báo cáo: Engagement › Pages and screens
- Thiết lập khoảng thời gian: 3–6 tháng
- Nhấn nút “Share this report” → Download file → Chọn định dạng Google Sheets để dễ phân tích

Ở đây, bạn kéo xuống sẽ thấy dữ liệu như:
- URL từng bài viết
- Lượt xem (Views)
- Thời gian ở lại trang (Average engagement time)
- Số event đã diễn ra (có thể là hành động mua hàng, điền form, bấm CTA…)
Đặc biệt với những bài có Time On Page, chứng tỏ nội dung chất lượng cao.
Mình cũng có 1 bài có 1m52s ở lại trên web, bài chia sẻ chi tiết lộ trình, kinh nghiệm sương máu về “Cách tự học Content Marketing“.

Sắp tới các bài của mình đều sẽ tối ưu lại hết kiểu như bài này. Ngày xưa làm tốn thời gian lắm, nhưng giờ có AI rồi thì mọi việc sẽ nhanh hơn nhiều.
Vậy cụ thể Audit như thế nào?
- Bài nào có traffic nhưng time on page < 20s → Có thể nội dung chưa đủ hấp dẫn, chưa đúng Intent. Bạn nên đọc bài “Hướng dẫn viết Content SEO A – Z” và tối ưu lại từ đầu.
- Bài có time onpage cao nhưng không chuyển đổi → Cần thêm CTA, khuyến mãi rõ ràng hơn
- Bài có engagement tốt + chuyển đổi cao → Nên đẩy thêm traffic (SEO, ads, internal link,…)
Bước 4: Audit toàn bộ lỗi SEO Onpage
Trong bước này, chúng ta sẽ dùng SEO Spider để quét toàn bộ website và phát hiện những lỗi quan trọng trong nội dung.
Những lỗi thường gặp: Title, mô tả quá dài/ngắn, thiếu hấp dẫn, bài viết sơ sài (thin content), link die, thiếu alt ảnh, slug ký tự lạ,…
Cách dùng rất đơn giản,
Bạn chỉ cần tải về SEO Spider, cài đặt và bật lên dùng thôi.
Đơn giản là nhập đường Link website của bạn vào và sẽ nhận được bảng báo cáo cực kỳ chi tiết như mình dưới đây:

Mình cũng có khoanh đỏ các phần mà chính bên mình hay tối ưu nhất khi làm SEO tổng thể cho khách rồi đó.
Bạn chú ý nhất là mục Issues.
Và nói thật: Bạn không cần phải theo bất kỳ hướng dẫn nào khác. Chỉ cần bám vào mục Issues mà Screaming Frog đề xuất, vì nó đã quá chi tiết rồi.
Ví dụ cái vấn đề “High” bên mình gặp phải đó là 404 link.
Đây là lỗi khó chịu nhất, khi User vào trang mà lại bị báo là link die, giảm trải nghiệm đáng kể.
Lúc này, mình chỉ cần bấm vào cái issue, Screaming Frog sẽ đưa ra tất cả các trang 404 tương ứng trên web của mình.
Dựa vào đó mình từ từ tối ưu, thực sự quá tiện.
Tuy nhiên, vẫn còn có thể tối ưu còn kỹ hơn nữa.
Mời bạn xem bước tiếp theo…
Bước 5: Tối ưu SEO chi tiết cho từng bài viết
Dù Screaming Frog có thể check gần như toàn bộ yếu tố SEO onpage , nhưng nó chỉ dừng lại ở mức tổng quan toàn site.
Bạn sẽ thấy được lỗi, nhưng không đủ chi tiết để biết sửa như thế nào cho tối ưu nhất.
Vì vậy, nếu bạn muốn đi sâu vào từng bài viết, thì RankMath (hoặc Yoast SEO) là lựa chọn phù hợp hơn.
Như mình chỉ cần vào phần danh sách bài viết sẽ thấy các cột SEO có dấu chấm xanh – cam – đỏ – đen như dưới đây.

Nếu dấu cam hoặc đỏ tức là bài đang có vấn đề (về từ khóa, tiêu đề, liên kết, độ dài đoạn văn, v.v.).
Còn dấu đen thì thậm chí còn chưa tối ưu SEO.
Đây sẽ là những bài chúng ta cần Audit lại.
Khi vào Edit bài viết, bạn có thể coi ở góc phải, Plugin sẽ báo rõ cho bạn những vấn đề, cũng như đề xuất cho bạn cách để sửa luôn.
Ví dụ, đây là gợi ý SEO & Readibilty từ bên Rankmath với bài viết của mình.

Khi xem và sửa trực tiếp như vậy sẽ khá tốn thời gian, nhưng chuẩn hơn nhiều.
Bước 6: Lập kế hoạch Audit chuyên nghiệp
Đến bước này, bạn đã có trong tay danh sách rõ ràng:
- Bài nào cần xóa
- Bài nào nên gộp lại
- Bài nào nên update, viết lại
- Bài nào chỉ cần chỉnh SEO, thêm liên kết, bổ sung CTA
- …
Giờ là lúc bạn triển khai từng việc theo kế hoạch đã có.
Gợi ý: Tạo 1 bảng “Kế hoạch triển khai sau audit” gồm các cột:
- Số thứ tự
- Keyword
- Volume
- URL bài viết
- Status để làm việc chung
- Action (Xóa / Gộp/ Update / Tối ưu SEO)
- Word Count, Time On Page, CTR
- Người phụ trách
- Deadline
- Ghi chú lại lỗi, vấn đề,…
Sau đó xử lý theo kế hoạch tuần tự, vừa gọn vừa hiệu quả.

Bạn có thể lấy mẫu Audit Content Website của bên mình ở đây, tặng bạn luôn đó!
Bước 7: Theo dõi hiệu quả định kỳ
Sau khi triển khai xong, bạn cần theo dõi kết quả để biết những gì mình làm có thực sự hiệu quả hay không.
Đừng dừng lại ở việc “đã sửa xong”, mà hãy tiếp tục dùng các công cụ đo lường:
- Traffic có tăng không? (Google Analytics)
- CTR có cải thiện không? (Google Search Console)
- Thứ hạng từ khóa đã nhích lên chưa? (GSC hoặc tool tracking)
- Chuyển đổi có tốt hơn không? (Event/ Goal trong GA4)
- Người đọc ở lại lâu hơn chưa? (Engagement time)
Nếu kết quả tốt → tiếp tục tối ưu thêm, làm tương tự với các bài khác.
Nếu kết quả chưa rõ rệt → tiếp tục tối ưu theo 6 bước mình hướng dẫn bên trên.
SEO không phải việc làm một lần là xong.
Đó là một vòng lặp: Phân tích → Triển khai → Đo lường → Tối ưu tiếp.
Tóm lại,
Audit Content giúp bạn nhìn lại, sửa đúng và tăng hiệu quả toàn bộ chiến lược nội dung. Đừng đợi đến khi traffic giảm mới bắt đầu, hãy audit đều đặn hơn nhé.
Nếu bạn thật sự muốn làm chủ kỹ năng audit, hiểu rõ cách kết hợp AI để tiết kiệm thời gian mà vẫn ra kết quả, thì đừng bỏ qua Kind Content Academy.
Mình đã tổng hợp lại hết những gì học được sau hơn 8 năm làm nghề, áp dụng cho 200+ khách hàng thật trong đây rồi đó.