Đối thủ của bạn làm nội dung từ 5 – 7 năm trước, phủ kín từ khóa, traffic ổn định.
Còn bạn?
Website mới tinh, vài bài viết sơ sài. Hoặc web đã lâu mà traffic cứ đi ngang, thậm chí đi xuống.
Đừng lo. Có một cách để lật ngược tình thế: Phân tích Content Gap.
Bài này mình sẽ giúp bạn tìm đúng nội dung còn thiếu, viết đúng cái người dùng cần, không cần chạy đua số lượng mà vẫn có kết quả nhé!
Content Gap là gì?
Content Gap là khoảng trống nội dung, những chủ đề, câu hỏi hoặc từ khóa mà người dùng tìm kiếm, nhưng website của bạn chưa có.
Khi bạn chưa có bài viết trả lời đúng nhu cầu người đọc, hoặc chưa khai thác các chủ đề họ quan tâm, thì đó chính là Content Gap.
Phân tích Content Gap sẽ giúp bạn biết:
- Mình đang thiếu gì
- Người dùng đang cần gì
- Và cần viết gì tiếp theo để tăng traffic và chuyển đổi
Với website mới
Content Gap là lợi thế.
Thay vì làm dàn trải, cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ cũ.
Bạn chọn đánh vào những điểm yếu của đối thủ.
Ví dụ:
Mình thấy đối thủ có bài viết về “Content SEO” từ năm 2024 đã lỗi thời, vì không hề nhắc tới AI, trong khi AI đã hỗ trợ từ 90-99% công việc rồi.
Mình viết lại chủ đề này thành “Content SEO 2025: Cách viết Content Rank Top với AI từ A-Z“, vừa đúng xu hướng, vừa đúng những gì người dùng cần.
Ngay lập tức mình leo lên Top 3, thắng cả những ông làm SEO lâu năm.

Với website cũ
Content Gap giúp bạn tối ưu lại nội dung cũ đã lỗi thời, bổ sung các phần bị thiếu, hoặc cập nhật theo nhu cầu mới của người đọc.
Đây là cách tiết kiệm thời gian và chi phí mà vẫn tăng trưởng đều đặn, vì nhiều khi chỉ cần update một bài, bạn có thể kéo lại cả trăm traffic mỗi ngày.
Ví dụ:
Bài “cách lập kế hoạch Content” của bên mình năm ngoái Top 1, nhưng giờ traffic giảm mạnh.
Mình mở lại, cập nhật thêm nhiều ví dụ, nhiều ảnh thực tế hơn, tối ưu nhiều keyword liên quan hơn.
Ngay sau đó mình lấy lại traffic, thứ hạng mà không cần viết bài mới.

Dù bạn đang ở giai đoạn nào, hiểu đúng Content Gap sẽ giúp bạn viết ít hơn nhưng hiệu quả hơn, và đó là cách đi đường dài trong SEO.
Các loại Content Gap phổ biến
1. Keyword Gap
Đây là kiểu Gap dễ đo lường nhất, và cũng là thứ khiến bạn mất rất nhiều traffic một cách âm thầm.
Ví dụ dưới đây bài viết “Content là gì” của bên mình chỉ có 26 từ khóa được Ranking.

Còn của đối thủ có tới 88 từ khóa được ranking.

Bên mình đang thiếu tận 62 từ khóa biến thể so với đối thủ. Ví dụ:
- Cấu trúc bài Content
- Cách viết bài Content
- Content là làm gì
… Chính vì thế nên mình đang bỏ lỡ hàng trăm (thậm chí hàng ngàn) lượt tìm kiếm mỗi tháng.
Để khắc phục cũng đơn giản, chỉ cần bổ sung thêm nội dung chứa các từ khóa này là được.
2. Topic Gap – Lỗ hổng chủ đề
Đây là phần mình thấy rất nhiều người bỏ qua.
Bạn có thể đang viết đúng ngành, đúng lĩnh vực… nhưng chưa đủ rộng, hoặc chưa đủ sâu thì cũng vậy.
Câu hỏi kiểm tra nhanh:
- Website của bạn có bài viết cho người mới bắt đầu không?
- Có bài đào sâu cho người đã biết cơ bản không?
- Có nội dung hỗ trợ quyết định mua như so sánh, review, checklist không?
Nếu bạn trả lời “không” ở bất kỳ đâu, chúc mừng: Bạn vừa tìm được một Content Gap đáng giá đấy.
3. Media Gap – Lỗ hổng định dạng
Không chỉ nội dung gì bạn nói, mà còn cách bạn nói nữa.
Nhiều website tập trung 100% vào text, mà quên mất rằng người dùng ngày nay thích video, hình ảnh, short-form, hoặc những nội dung tương tác hơn
Mẹo xử lý:
- Với bài blog hay, thử chuyển sang dạng Carousel, Reels
- Thêm infographic, biểu đồ, hoặc hướng dẫn thao tác bằng hình ảnh
- Lồng ghép “xem thêm video” hay CTA xem clip để giữ người dùng lâu hơn
Thực ra còn rất nhiều biến thể nữa của Content Gap, thành thạo 5 phương pháp sắp tới sẽ giúp bạn “đương đầu” tuốt nhen.
5 phương pháp tìm và xử lý Content Gap
Dưới đây là 5 phương pháp mà mình đánh giá là hiệu quả nhất, dễ áp dụng kể cả khi bạn mới bắt đầu hoặc đang làm nội dung cho nhiều ngành khác nhau.
1. Dùng công cụ phân tích Keyword Gap
Nếu bạn muốn tìm từ khóa mà đối thủ có, bạn thì không, thì đây là cách nhanh nhất.
Đầu tiên, hãy xác định đối thủ của bạn là ai?
Bạn có thể nhập vào Semrush và nhập Domain Web của bạn ( hoặc của đối thủ nào đó cũng được)
Sau đó vào Domain Overview -> Orgarnic Research -> Competitor
Sau đó bạn sẽ thấy danh sách đối thủ liên quan trực tiếp tới trang bạn vừa nhập, như ảnh dưới đây.

Sau đó, hãy vào tiếp phần Keyword GAP và nhập Domain trang của bạn, cùng với 1 – 2 đối thủ để so sánh.

Sau khi nhập, bạn sẽ quan tâm tới các phần chính là:
- Missing: Từ khóa mà đối thủ nào cũng có, bạn thì không
- Untapped: Từ khóa mà có ít nhất 1 đối thủ có, bạn thì không
- Weak: Từ khóa bạn có nhưng thứ hạng thấp hơn đối thủ

Bây giờ bạn đã có danh sách từ khóa đối thủ có, bạn thì không rồi đó.
Bạn có thể bấm Export ở góc phải màn hình để lưu ra Google Sheet rồi tiến hành viết mới hoặc Update nha.
2. Tìm điểm yếu của nội dung đối thủ
Mục tiêu của chúng ta là tìm ra nội dung chưa tốt của đối thủ, và sau đó làm nội dung tốt hơn, sâu hơn, hoặc thú vị hơn.
Cách mình làm:
Đơn giản là lên Google tìm ra những đối thủ đang trên Top.
Muốn Rank Top cho từ khóa nào, thì chỉ cần điền từ khóa đó lên Google mà thôi.
Saud ods, hãy vào trang Top 1, 2, 3 và xem họ có những điểm này chưa:
- Tính mới: Nội dung được cập nhật lần cuối khi nào?
- Tính đầy đủ: Nội dung có cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin chi tiết không?
- Thân thiện: Nội dung này có trình bày đẹp và dễ đọc, dễ hiểu không?
- Tính hữu ích: Nội dung này nếu làm theo có ra việc không?
Nếu càng nhiều câu trả lời là “không”, thì mình càng có cơ hội, và đây chính xác là những chủ đề mình ưu tiên triển khai.
3. Kiểm tra lại nội dung cũ
Nếu bạn đã có bài viết mới, nhưng chưa lên Top, thì thường là nội dung của chính bạn chưa tốt lắm.
Ví dụ bài “Content là gì?” của mình trước đó lọt thỏm trang 3 của Google.
Mình so sánh với nội dung của top 1, thì đúng là Gap còn quá xa.
Nội dung của đối thủ chi tiết, dễ hiểu hơn mình 3, 4 lần.
Sau đó mình đã Update:
- Liên kết đến các bài trong Topic Cluster
- Bổ sung thêm gần 1.500 chữ
- Câu từ ngắn gọn lại, trình bày đẹp hơn
- Hình ảnh minh họa nhiều hơn
- Tối ưu nhiều từ khóa biến thể hơn.
Và ngay lập tức, bài viết của mình lên được trang 1, tăng đáng kể traffic.

Hiện bên mình vẫn đang tiếp tục Update thêm vào các Casestudy, trải nghiệm nhằm chiếm vị trí cao hơn nữa.
4. Lập kế hoạch Audit
Vậy là mình đã có danh sách từ khóa đối thủ có mà mình chưa có.
Đã xác định được đâu là Content chúng ta nên làm trước tiên
Bây giờ đã đến lúc bắt tay vào làm việc!
Mình thường dùng một file Google Sheets với các cột:
- URL
- Từ khóa
- Ref
- URL
- Status
- Ngày đăng
- Ghi chú
Sau đó gắn nhãn:
- Bài cần update (outdated)
- Bài cần mở rộng (thiếu chiều sâu)
- Bài viết mới
- Bài cần xóa hoặc là gộp lại
Đơn giản thôi, quan trọng là quản lý dễ dàng hơn bạn nhé.
5. Theo dõi xu hướng ngành và chủ đề HOT
Bạn không thể lấp Gap nếu bạn không biết “điểm nóng” đang nằm ở đâu.
Một trong những lý do mình tập trung vào Content AI, đấy là nó quá HOT.
Những thông tin này mình thường lấy ở:
- Google Trends
- Các nhóm chuyên ngành hay bàn tán điều gì?
- Cài đặt Google Alerts với các từ khóa liên quan
- Xem bảng xếp hạng các bài viết hot nhất tuần từ BuzzSumo
Quan trọng: Nên chọn chủ đề Trend nhưng phải Evergreen Content nhé. Nếu chỉ “đu” ngắn hạn mà không có giá trị lâu dài thì cũng hơi phí.
6. Tận dụng data nội bộ để tạo nội dung độc quyền
Đây là “vũ khí bí mật” mình rất thích dùng, vì không đối thủ nào sao chép được.
Gợi ý data có thể biến thành content:
- Kết quả khảo sát khách hàng
- Hành vi trên site (trang nào người dùng ở lại lâu nhất?)
- Tỷ lệ chuyển đổi theo từng bài viết
- Lỗi người dùng hay gặp nhất khi dùng sản phẩm
Bạn có thể chuyển chúng thành: infographic, báo cáo PDF, bài viết chia sẻ insight thực tế, hoặc case study hấp dẫn.
Ưu tiên xử lý Content Gap nào trước?
Mình biết cảm giác này rất rõ: sau khi làm audit xong, bạn có một danh sách dài ngoằng những bài cần update, những từ khóa còn thiếu, những chủ đề cần bổ sung. Và bạn không biết nên bắt đầu từ đâu.
Đây là cách mình thường dùng để xếp thứ tự ưu tiên, dựa trên 4 tiêu chí:
1. Từ khóa có Search Volume cao, cạnh tranh thấp
Nếu một từ khóa có:
- Nhiều người tìm
- Ít đối thủ làm mạnh
- Và bạn đã có bài viết liên quan
hì bạn nên xử lý nó trước tiên: Cập nhật, mở rộng, tối ưu lại bài viết đó để leo top nhanh mà không cần viết lại từ đầu.
2. Chủ đề đúng insight khách hàng nhưng chưa có bài
Có nhiều chủ đề volume không cao, nhưng đúng nhu cầu thực sự của khách hàng:
- Họ hay hỏi khi inbox
- Hay comment hỏi trong các post
- Hay được sale hỏi trong quá trình tư vấn
Những chủ đề này thường chuyển đổi cực tốt, nên dù volume không lớn, bạn vẫn nên ưu tiên làm vì chúng sinh ra doanh thu.
3. Nội dung cũ nhưng tiềm năng lớn
Bạn có những bài viết đã từng top, từng mang lại traffic tốt nhưng bây giờ tụt dần?
Hãy ưu tiên refesh lại các bài đó trước. Google rất thích nội dung cập nhật, và việc update content cũ thường mang lại hiệu quả nhanh hơn gấp 3–5 lần so với việc viết bài mới.
4. Bài nào đã có sẵn tài nguyên hỗ trợ
Nếu bạn đang có sẵn:
- Slide thuyết trình
- Báo cáo nội bộ
- Email cũ đã từng soạn
- Hoặc data từ campaign trước
Thì bạn nên biến nó thành content càng sớm càng tốt. Đừng để tài nguyên nằm yên rồi quên luôn!
Bao lâu nên làm Content Gap?
Nhiều người nghĩ chỉ cần làm 1 lần là xong, nhưng với mình, đây là một quy trình liên tục, giống như chăm sóc sức khỏe cho website vậy.
Gợi ý tần suất:
- Ít nhất 1 lần/năm: Nếu bạn làm blog cá nhân, ít sản phẩm
- Mỗi 3–6 tháng: Nếu bạn làm cho agency, SME, startup
- Mỗi tháng 1 lần (nhẹ): Nếu ngành bạn biến động nhanh, hoặc đang làm chiến dịch SEO dài hạn
Pro Tip: Bạn nên gộp phân tích Content Gap vào lịch Audit Content định kỳ sẽ tiện hơn nhiều á.
Tóm lại,
Thay vì viết tràn lan, rồi để thua đối thủ, thì hãy viết đúng thứ người dùng đang tìm mà đối thủ của bạn lại bỏ qua hoặc còn nhiều yếu điểm nhé.
Giờ thì bắt tay vào phân tích và lấp đầy khoảng trống nội dung của bạn nào!