Dù cho bạn là người mới hay là một cây viết “lão luyện” thì việc sở hữu một Content Portfolio chuyên nghiệp cũng sẽ để lại không ít ấn tượng cho khách hàng. Đặc biệt, đối với Freelancer, chúng lại càng cần thiết hơn nữa.
Xem ngay bài viết dưới đây, bạn sẽ hiểu rõ hơn về Content Portfolio là gì cũng như biết cách để tạo cho mình một Portfolio ưng ý nhất.
Content Portfolio là gì?
Content Portfolio là một bộ sưu tập các công việc viết lách mà bạn đã thực hiện. Nó có thể bao gồm các bài blog, copywriting, bài social post, nội dung quảng cáo hoặc kịch bản video,… tùy thuộc vào lĩnh vực bạn chuyên môn hoá.
Mục đích của Content Portfolio là thể hiện kỹ năng, phong cách, và kinh nghiệm viết lách của bạn. Thay vì chỉ liệt kê kinh nghiệm làm việc và kỹ năng như trên CV, Portfolio giúp trực quan hóa công việc của bạn thông qua các tác phẩm cụ thể.
Tại sao cần có Content Portfolio?
Có 3 lý do chính mà mình muốn chia sẻ với bạn:
- Chứng minh kỹ năng: Khi ứng tuyển một công việc, mọi người không chỉ quan tâm bạn nói gì, mà quan trọng hơn là bạn đã làm gì. Content Portfolio giúp bạn thể hiện khả năng thực tế qua các tác phẩm đã hoàn thành.
- Thể hiện sự đa dạng: Một Portfolio tốt sẽ cho thấy bạn có khả năng viết về nhiều chủ đề khác nhau, từ thương mại đến giáo dục, từ kỹ thuật đến công nghệ. Điều này mở rộng cơ hội cho bạn trong nhiều lĩnh vực.
- Xây dựng thương hiệu cá nhân: Mỗi bài viết trong Portfolio của bạn là một phần của câu chuyện cá nhân mà bạn muốn kể. Đó là cách bạn xây dựng và thể hiện thương hiệu cá nhân trong mắt người đọc.
Thế nào là một Portfolio Content hiệu quả?
Một Portfolio Content hiệu quả không chỉ là nơi bạn lưu trữ công việc của mình, mà còn phải thể hiện được khả năng, phong cách, và sự chuyên nghiệp của bạn. Dưới đây là những điểm chính mà bạn cần chú ý:
Đa dạng về cách viết
Đa dạng hóa cách viết của bạn sẽ là một chìa khóa.
Hãy thể hiện bạn có thể viết blog, bài báo, nội dung quảng cáo, bài viết trên mạng xã hội, và thậm chí cả kịch bản, TVC,… Điều này cho thấy bạn là một người linh hoạt và có thể thích ứng với nhiều dạng nội dung khác nhau.
Văn phong chuyên nghiệp
Đối với dân content, văn phong trình bày trong Portfolio cần phải “đặc biệt” chuyên nghiệp và mạch lạc.
Điều này không chỉ có nghĩa là không có lỗi chính tả hay ngữ pháp, mà còn là việc sử dụng ngôn từ phù hợp với từng đối tượng và mục đích. Thông qua đó, bạn sẽ thể hiện được sự thông thạo và kỹ năng viết lách tốt.
Nhắm đúng đối tượng mục tiêu
Portfolio chứa nhiều nội dung hay nhưng lại không có chút liên quan đến định hướng khách hàng thì cũng vô dụng.
Ví dụ: Khách hàng có định hướng làm nội dung chia sẻ về công nghệ, nhưng Content Portfolio của bạn chỉ toàn là nội dung blog chia sẻ về bản thân thì có vẻ… hơi lệch tần số rồi.
Thể hiện được thương hiệu cá nhân
Cuối cùng, Portfolio của bạn cần phản ánh thương hiệu cá nhân của bạn.
Điều này không chỉ là về phong cách viết, mà còn là cách bạn thể hiện quan điểm, giá trị, và cá tính của mình qua từng dòng chữ. Hãy làm cho mỗi tác phẩm trở nên đặc biệt và phản ánh đúng con người của bạn.
Content Portfolio cần có những thông tin gì?
Portfolio rất đề cao tính sáng tạo. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đảm bảo đầy đủ một số thông tin nhất định. Cụ thể như:
- Giới thiệu bản thân (tựa như một trang CV thu nhỏ vậy).
- Mục tiêu nghề nghiệp.
- Kỹ năng cốt lõi (cái này quan trọng, cần đầu tư kỹ, ví dụ trong mảng Content thì sẽ có content SEO, content Social, viết kịch bản, sản xuất video,…).
- Bằng cấp, chứng chỉ, khóa học từng tham gia.
- Sở trường, sở thích (những gì liên quan đến công việc thôi).
- Kinh nghiệm làm việc, thời gian, chức danh ở những công việc trước.
- Dự án từng thực hiện (phải thể hiện rõ được cái nhìn tổng quan dự án, kỹ năng, công việc bạn đã làm, kết quả của dự án… và để tốt hơn hẳn, bạn nên chứng minh qua số liệu).
- Quan điểm trong công việc (thường để xem xét bạn có phù hợp với phong cách/văn hóa làm việc của doanh nghiệp hay không).
8 bước xây dựng Content Portfolio ấn tượng cho Writer
Bước 1: Chọn một nền tảng để xây dựng Portfolio
Trước hết, hãy lựa chọn xem đâu là nơi để bạn thiết kế Portfolio. Đó có thể là một trang web thiết kế miễn phí (Behance, Canva…) hay công cụ quen thuộc như PowerPoint.
Dù cho nền tảng có là gì, thì bạn cũng nên thống nhất ngay từ đầu, tránh làm giữa chừng rồi bỏ, tốn thời gian.
Bước 2: Giới thiệu về bản thân của bạn
Khi xem qua Portfolio, người khác phải biết được “bạn là ai”. Nhiều người khi xây dựng Portfolio đã quá trau chuốt về mặt hình thức, sản phẩm để rồi vô tình làm lu mờ hình ảnh của bản thân.
Hãy viết một đoạn ngắn gọn nhưng đầy đủ, bao gồm thông tin cá nhân, phương thức liên lạc, một vài dòng ngắn về kinh nghiệm làm việc, kỹ năng đặc biệt, và những gì khiến bạn trở nên “độc đáo” trong lĩnh vực này.
Đừng quên thêm một bức ảnh chân dung chuyên nghiệp để tạo ấn tượng tốt.
Bước 3: Tổng hợp và chọn lọc nội dung cần đưa vào Portfolio
Bạn không thể nào đem toàn bộ những sản phẩm bạn đã từng làm vào Portfolio được. Tất nhiên, trong quá trình làm việc, sẽ có những bài viết hay, và cũng có bài viết “không tốt”. Vì vậy, cần có bước tổng hợp và chọn lọc.
Hãy cân nhắc đâu là sự lựa chọn phù hợp. Đó có thể là dự án mà bạn tâm đắc nhất, hoặc cũng có thể đó là dự án có đôi nét liên quan đến khách hàng sắp tới của bạn.
Xem thêm: 22 yếu tố đánh giá một Content chất lượng
Bước 4: Tạo thêm dự án nếu bạn cảm thấy “chưa đủ”
Xác định được ngách Content mà bạn sẽ trình bày trong Portfolio rồi, nhưng số lượng bài viết mà bạn đã từng thực hiện lại quá ít thì làm sao? Đừng ngại tạo thêm chúng để bổ sung vào Portfolio của mình.
Bạn có thể đi tìm những dự án tương tự để viết. Hoặc bạn cũng có thể tự tạo dự án cho riêng mình. Hãy xem như bạn đang tự triển khai một blog liên quan đến chủ đề đó.
Bước 5: Phân loại các bài viết của bạn thành các danh mục khác nhau
Thông thường, một writer có thể viết theo nhiều phong cách và thể loại khác nhau. Ví dụ như về du lịch, y học, lối sống hay công nghệ…
Việc phân loại các bài viết của bạn thành các danh mục khác nhau, giúp người xem dễ dàng tìm đọc nội dung mà họ muốn. Vì suy cho cùng, mục đích của bạn cũng là hướng đến người xem.
Bước 6: Sắp xếp lại thứ tự của các dự án
Trong lĩnh vực nghệ thuật hay sáng tạo, ấn tượng đầu tiên là yếu tố rất quan trọng. Do đó, hãy đưa những bài viết tốt nhất lên đầu để thu hút người xem cũng như tạo ấn tượng tốt trong mắt họ.
Bước 7: Thiết kế Content Portfolio của bạn thật đẹp
Xong phần nội dung rồi thì hãy chuyển sang tối ưu tính thẩm mỹ.
Tâm lý con người luôn ưa thích cái đẹp, đầu tư một chút trong khâu thiết kế sẽ làm gia tăng sự thích thú của người xem đối với Portfolio Content của bạn.
Một số mẹo khi thiết kế Content Portfolio mà mình có thể gợi ý cho bạn đó là:
- Chọn màu sắc phù hợp với cá tính mà bạn muốn thể hiện. Ví dụ, nếu muốn thể hiện sự sáng tạo, hãy chọn những màu sắc tươi sáng và năng động, đặc biệt là các gam màu pastel.
- Hãy chọn một màu sắc chủ đạo cho bản thiết kế, đi kèm với đó là 2 màu phụ là đủ.
- Pinterest là một nền tảng lý tưởng để bạn tham khảo cách sắp xếp bố cục của từng trang.
Bước 8: Kiểm tra và cập nhật dự án của bạn thường xuyên
Cuối cùng, hãy nhớ rằng một Portfolio tốt là một Portfolio luôn được cập nhật.
Hãy thường xuyên kiểm tra và cập nhật các dự án mới, cũng như thông tin cá nhân và tiểu sử của bạn. Điều này không chỉ giúp bạn giữ cho Portfolio luôn tươi mới và liên quan, mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp và tận tâm với ngành nghề của bạn.
Một số lưu ý khi làm Content Portfolio
Ngoài việc thực hiện theo đúng hướng dẫn mình đã trình bày ở trên, bạn cũng cần lưu ý một số điều nhỏ khi xây dựng Content Portfolio:
- Tìm hiểu sơ qua về yêu cầu của khách hàng/nhà tuyển dụng. Vì tiêu chí của họ không phải là tìm người giỏi nhất, mà là tìm người phù hợp nhất.
- Tối ưu phần thiết kế sao cho đơn giản, rõ ràng và thể hiện được cá tính, thương hiệu của bản thân.
- Dù là Content Portfolio nhưng cũng đừng quên tối ưu về mặt hình ảnh. Đây sẽ là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng vì nó thể hiện bạn là con người duy mỹ, phù hợp với nghệ thuật, sáng tạo.
- Chỉ nên sử dụng tối đa 3 màu và 3 font chữ trong một Portfolio. Nếu nhiều hơn, thành phẩm của bạn trông sẽ hơi rối.
- Không nên quá chú tâm vào nội dung mà bỏ qua phần bìa bên ngoài.
- Sau khi hoàn thành Content Portfolio, hãy gửi chúng cho những người xung quanh (đồng nghiệp, bạn bè,…) để xin những đánh giá khách quan của họ. Từ đó, bạn có thể cân nhắc chỉnh sửa chúng sao cho hoàn thiện hơn.
Công cụ hỗ trợ làm Portfolio chuyên nghiệp cho Writer
Nền tảng để làm ra các mẫu Portfolio Content thì nhiều lắm, nhưng mình lại đánh giá cao 6 công cụ dưới đây hơn:
CakeResume
Là một sự lựa chọn khá ổn để xây dựng một Portfolio cho dân Content. Điểm sáng của CakeResume là dễ sử dụng, cho phép bạn tùy chỉnh mọi thành phần trong Portfolio như màu sắc, phong cách, định dạng hay bố cục.
Wix
Wix là công cụ xây dựng Portfolio của Copywriter khá phổ biến. Nền tảng này không những có sẵn nhiều mẫu Portfolio bắt mắt, mà còn được tích hợp với công cụ SEO, Marketing và Email Marketing.
Tuy nhiên, đối với một vài chức năng, bạn phải trả phí mới có thể sử dụng.
WordPress
Đã là dân Content thì ít nhiều gì cũng đã nghe qua WordPress – nền tảng quản lý nội dung phổ biến suốt nhiều năm qua.
Nếu biết cách, Portfolio Content Creator của bạn sẽ cực kỳ ấn tượng. Nhưng để làm được điều đó, bạn sẽ phải nghiên cứu nhiều hơn về WordPress, thậm chí là viết mã bằng CSS.
Canva
Canva thì quen thuộc rồi. Ngoài thiết kế ấn phẩm thì công cụ này còn rất thích hợp để xây dựng Portfolio. Canva cho phép sử dụng miễn phí, nhưng để có thêm tính năng hay ho hơn, bạn phải nâng cấp lên bản Premium.
Xem thêm: Canva là gì? Cách sử dụng Canva trên máy tính, điện thoại chi tiết
Clippings.me
Là nền tảng thích hợp cho dân Freelance vì bạn được phép chèn liên kết, nhúng nhiều dạng tài liệu, PDF hay kể cả podcast.
Nhưng Clippings.me lại giới hạn về mặt số lượng. Nếu muốn gắn trên 10 nội dung vào Portfolio, bạn buộc phải nâng cấp tài khoản lên Premium.
Powerpoint
Nền tảng trình chiếu truyền thống này cũng có thể hỗ trợ xây dựng một Content Portfolio thật chuyên nghiệp. Không cần mạng internet, không trả phí, dễ sử dụng là những ưu điểm của công cụ này.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của mình đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về Content Portfolio cũng như cách xây dựng nó. Theo dõi Kind Content để xem thêm nhiều tài liệu hay ho nhé.