15 cách tìm ý tưởng viết content [50+ ideas mẫu]

Mục lục bài viết
Ý tưởng viết content

Đã là dân content thì ít nhiều gì các bạn cũng đã có lần bị “bí” ý tưởng viết content rồi nhỉ? Mình cũng từng như vậy, nhưng đó chỉ là chuyện của quá khứ.

Thật ra ý tưởng content thì có nhiều lắm, chẳng qua là chúng ta chưa biết cách khai thác mà thôi.

Đọc và áp dụng 15 cách dưới đây, mình hứa nó sẽ giúp bản kế hoạch Content Marketing của bạn đầy ắp ý tưởng.

Lưu ý: Đừng lấy một ý tưởng chỉ vì nó hay, mà hãy lấy những ý tưởng đúng với tinh thần thương hiệu của bạn, và phù hợp với tệp khách hàng bạn đang nhắm tới nhé!

15 cách tìm 7749 ý tưởng viết content dễ dàng

Mình khuyến khích bạn nên tự tìm ý tưởng dựa trên các cách dưới đây:

1. Ý tưởng từ nghiên cứu

Trước khi bắt tay vào viết bất cứ điều gì, bạn cũng cần phải nghiên cứu trước. Mỗi một gạch đầu dòng nghiên cứu của bạn đều có thể là một ý tưởng content ăn tiền đấy. Cụ thể, bạn nên nghiên cứu những điều sau:

  • Khách hàng: Hãy nghiên cứu xem khách hàng cần gì rồi viết về chúng, cụ thể như: Họ thích nội dung gì? Vấn đề họ gặp phải? Tại sao họ lại chưa mua hàng?,…
  • Sản phẩm: Bao gồm lợi ích, tính năng, thiết kế, thông số chi tiết, nguồn gốc xuất xứ, giá thành, câu chuyện đằng sau sản phẩm,…
  • Thương hiệu: Hãy triển khai những giá trị cốt lõi mà thương hiệu muốn truyền tải như điểm mạnh, ưu đãi, sự kiện,…
  • Đối thủ: Đây chính là “suối nguồn” để bạn khai thác đấy nhé, đừng bỏ qua. Cái nào hay, cái nào tốt thì mình học hỏi, đồng thời hãy nghiên cứu, cải tiến và viết về những cái họ dở.
  • Brainstorm (động não): Cùng đồng đội bàn bạc, thảo luận và lấy ý kiến mỗi người. Đừng bao giờ đánh giá thấp các bộ óc khi làm việc chung nhé.

2. Câu hỏi thường gặp (FAQs)

Frequently Asked Questions là những câu hỏi được đặt ra bởi người dùng internet trên các trang mạng xã hội, website hoặc email. Nếu người dùng đã quan tâm nó, lý do gì chúng ta lại không triển khai để làm thỏa mãn họ?

3. Chia sẻ thủ thuật và mẹo vặt

Cho dù sản phẩm, dịch vụ mà công ty bạn đang bán là gì thì cũng đều có thể triển khai ý này. Ví dụ: Cách bảo quản thực phẩm A mà không cần đến tủ lạnh? Hướng dẫn sử dụng máy B sao cho tiết kiệm điện,…

4. Thay đổi góc nhìn (Content Angle)

Bạn không cần phải nghĩ ra quá nhiều ý tưởng để viết content.

Thay vào đó, bạn chỉ cần lựa một ý tưởng và viết theo các góc nhìn khác nhau. Khi thì bạn là một chuyên gia review, khi là một người tiêu dùng đánh giá, khi thì bạn so sánh, khi thì bạn đặt câu hỏi,…

Mình biết tới 16 góc nhìn (Angle) khác nhau. Bạn đã biết chưa? Chưa thì tham khảo ngay bài này nhé: Content Angle là gì? 16 cách làm nội dung độc đáo hơn.

5. Dựa vào Content Pillar

Bạn có thể hiểu đơn giản Pillar Content là chủ đề chính cho một chiến lược Content của bạn, dựa trên những chủ đề chính này bạn sẽ nghĩ ra được các chủ đề con dễ dàng hơn.

Ví dụ: Một trang nội thất có thể các Pillar là “Nội thất trong phòng khách”, “Phòng ngủ”, “Phòng ăn”,… Trong phòng khách thì sẽ các chủ đề nhỏ hơn nữa là “Sofa”, “Ghế”, “Bàn uống nước”,… Sofa thì có cái làm bằng da, bằng vải, sofa dài, sofa ngắn,…

Khi bạn tư duy theo một cách logic như vậy thì việc lên các chủ đề cụ thể sẽ là điều dễ dàng. Khi kết hợp nó cùng với Content Angle nữa thì 7749+ ý tưởng viết content là chuyện nhỏ.

6. Sử dụng công cụ Google Alerts

Đây là công cụ được Google phát hành vào năm 2003 với công dụng thông báo đến người dùng những cập nhật kết quả từ khóa mới nhất qua email. Vì vậy, nếu bạn đang trong tình trạng “bí”, hãy thử ngó sang Google Alerts. Biết đâu chúng lại giúp bạn khơi thông dòng chảy ý tưởng trong đầu.

Tìm ý tưởng viết content bằng Google Alerts
Tìm ý tưởng viết content bằng Google Alerts

7. Lưu trữ lại ý tưởng

Chắc hẳn bạn đã từng xem qua rất nhiều ý tưởng thú vị trên mạng xã hội, nhưng đến khi cần dùng đến thì lại chẳng nhớ gì? Đó là lý do vì sao bạn nên lưu trữ lại chúng. Nếu thấy điều gì hữu ích, thú vị, hãy lưu lại, thi thoảng vào xem khả năng bạn có thể tận dụng lại chúng, hoặc nảy số ra ý tưởng khác đấy.

8. Dựa vào bản đồ thấu cảm

Empathy Mapping (bản đồ thấu cảm) được hiểu đơn giản là bản phác thảo hồ sơ, tâm lý của khách hàng. Dựa vào đó, việc sáng tạo những ý tưởng viết content đúng với customer insight sẽ dễ dàng hơn nhiều ấy.

9. Sử dụng User Generated Content

Đây là dạng nội dung do người dùng tạo ra. Có thể đơn giản là một cái comment của người dùng trên Facebook, hay một đánh giá trên Shopee, một video TikTok, một bài review trên blog,…

Nghe đơn giản thế thôi, nhưng nếu bạn biết tối ưu UGC đúng cách sẽ mang lại hiệu quả gấp “n” cho thương hiệu của bạn đó. Mình đã viết một bài hơn 3000 chữ về chủ đề này rồi: User Generated Content là gì? Tất tần tật về UGC 2022.

10. Kể về con người tại công ty

Viết về thành phần, cấu tạo của sản phẩm “chán” rồi. Vậy sao bạn lại không thử viết về những con người đã làm nên sản phẩm đó? Đối với Kind, mỗi người đều là một câu chuyện khác nhau. Vì vậy, hãy triển khai chủ đề này, chúng rất thực tế và đời thường nên dễ chạm tới cảm xúc của khách hàng lắm.

11. Dùng công cụ nghiên cứu từ khóa

Bạn có nghĩ rằng ý tưởng viết content này hình như quen thuộc quá, không có gì mới lạ không? Nhưng đừng bỏ qua nhé, vì từ khóa sẽ luôn đổi mới và là thứ sát với nhu cầu người dùng nhất.

Một số công cụ hiệu quả mà Kind hay sử dụng: Google Trends, AnswerThePublic, Ahrefs, Google Search Console,…

12. Bạn cần có các Always On Content

Always-on content là loại nội dung bạn có thể đăng liên tục, thường xuyên lên các kênh truyền thông của bạn.

Ví dụ như bạn xác định rằng tuần nào bạn cũng phải đăng 1 content để bán hàng, 2 content chia sẻ hữu ích, 2 content giải trí. Mặc định như vậy sẽ tạo nên một thói quen cho độc giả, và nó cũng giúp bạn dễ nghĩ ra ý tưởng hơn.

13. Theo dõi các bình luận từ người dùng

Mục đích của làm content phải luôn hướng đến người dùng. Do đó, đừng bao giờ bỏ qua những bình luận của họ, chẳng ai muốn bị “lơ” đi cả, hãy duy trì giao tiếp với người dùng bằng cách tích cực trả lời mọi bình luận nhé.

Dù là tích cực hay tiêu cực thì những bình luận khách quan từ người dùng cũng chính là kho tàng ý tưởng viết blog mà bạn nên khai thác.

14. Dựa trên những sự kiện trong năm

Những dịp lễ lớn nhỏ trong năm cũng là một dạng chủ đề giúp bạn có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn. Lễ nào cũng được, lễ có liên quan đến doanh nghiệp thì lại càng tốt.

Ví dụ: Doanh nghiệp bạn kinh doanh áo len thì đừng bao giờ bỏ qua mùa giáng sinh nhé.

15. Ý tưởng tự phát

Đôi khi bạn sẽ không để ý, có rất nhiều chủ đề hay ho xoay quanh cuộc sống đời thường xứng đáng để bạn lên hẳn một chuỗi bài viết về nó.

Ví dụ nhé, ý tưởng viết content sẽ đến một cách bất ngờ trong lúc bạn đang chơi thể thao, đang ăn một món ngon, đang nghe podcast, thậm chí là đang ngồi trong toilet chẳng hạn.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chủ động đi tìm nguồn cảm hứng bằng cách mua một khóa học, đọc nhiều sách, gia tăng trải nghiệm bằng cách đi dạo phố, du lịch hoặc xin ý kiến từ người khác,…

50+ mẫu ý tưởng viết content đa nền tảng

Ngoài những cách tìm ý tưởng mình vừa đề cập ở trên thì bạn có thể tham khảo thêm các ý tưởng dưới đây. Hầu hết các lĩnh vực đều có thể dùng các ý tưởng này.

Tìm ý tưởng content website

(1) Viết bài giới thiệu về công ty, đội ngũ, thương hiệu,…
(2) Xây dựng bộ câu hỏi và khảo sát người đọc.
(3) Bài viết dạng Top list. (10 công cụ tốt nhất, 20 website bổ ích nhất, 19 người bạn nên theo dõi,…).
(4) Sưu tầm những bài viết có giá trị và chia sẻ lại.
(5) Review một khóa học, tài liệu về lĩnh vực của bạn.
(6) Chia sẻ cách làm một điều gì đó từ A – Z.
(7) Viết lại nội dung cũ với một góc nhìn hoàn toàn mới.
(8) Hãy thử định dạng Infographic, video thay vì những câu chữ như bình thường.
(9) Khi làm content trên website, tốt nhất là bạn nên tạo các chủ đề bằng cách nghiên cứu từ khóa. Người dùng muốn đọc gì, bạn đáp ứng cái đó.

Ý tưởng viết content Facebook

(10) Một câu chuyện bạn từng trải qua (Vị khách hàng đặc biệt, một đối tác ăn ý, một dự án thành công/ thất bại,…).
(11) Gợi lại những kỉ niệm xưa.
(12) Viết về chính mình, xây dựng thương hiệu cho riêng bạn.
(13) Từ những bộ phim, chương trình truyền hình nổi tiếng.
(14) Đặt câu hỏi ngẫu nhiên.
(15) Ảnh chụp không gian làm việc.
(16) Giới thiệu về một người bạn/đồng nghiệp ở công ty.
(17) Nói về một điều mà rất nhiều người đang hiểu lầm.
(18) Chia sẻ về một cuốn sách bạn đang đọc.
(19) Một câu chuyện ý nghĩa bạn vừa gặp.
(20) Phỏng vấn một khách hàng.
(21) Cập nhật tin tức về sự kiện của công ty.
(22) Chia sẻ một thống kê, dữ liệu đầy bất ngờ.
(23) Đăng lại một bài đã đừng có từng tương tác rất tốt.
(24) Chia sẻ những mẹo vặt, tool miễn phí ngắn gọn.
(25) Hậu trường.
(26) Hướng dẫn người đọc làm một cái gì đó.
(27) So sánh.
(28) Chia sẻ templates website/ thiết kế đẹp.
(29) Dự đoán về một vấn đề nóng hổi nào đó.
(30) Gửi lời cảm ơn đến khách hàng.
(31) Một câu Quote gì đó liên quan tới khách hàng.
(32) Các case studies.
(33) Bật mí một sự thật trong ngành.
(34) Cập nhật tình hình hiện tại của bạn/ thương hiệu.
(35) Một thứ gì đó dễ thương.
(36) Chia sẻ về cách bạn tập thể dục ngay tại công sở.
(37) Bạn sẽ nhắn nhủ gì tới chính bạn 5 năm trước?
(38) Giới thiệu một quyển sách/ phim hay.
(39) Đu theo một cái trend đang hot.
(40) Tự giới thiệu bản thân với những người theo dõi mới.
(41) Tên của bạn hay của thương hiệu có ý nghĩa gì?
(42) Bữa cơm gần nhất của là gì?
(43) Một bí mật ít người biết trong lĩnh vực của bạn.
(44) Công ty bạn giải lao thế nào?

Các ý tưởng viết content cho Youtube

(45) Quay video hướng dẫn chi tiết.
(46) Phỏng vấn người nổi tiếng khi sử dụng sản phẩm.
(47) Review các sản phẩm, dịch vụ mới nổi.
(48) Video mang nội dung giải trí.
(49) Video Q & A.
(50) Trailer/intro của các sự kiện sắp diễn ra.
(51) Bật mí video hậu trường.

Kết,

Bạn đã cảm thấy bớt “bí” ý tưởng viết content hơn chưa? Nhớ lưu lại bài viết này để sau này còn sử dụng đấy nhé!

Chia sẻ lên:
Đăng ký nhận tin hữu ích

Liên hệ với chuyên gia
Kind Content hôm nay