Nếu việc bán hàng qua website không hiệu quả, có lẽ Landing Page của bạn đang gặp vấn đề. Vậy làm thế nào để cải thiện tỷ lệ chuyển đổi trên Landing Page? Hãy cùng mình xem cách tối ưu Landing Page bán hàng trong bài viết này nhé!
Landing Page bán hàng là gì?
Landing Page bán hàng là trang độc lập, tập trung cung cấp thông tin về sản phẩm của bạn. Mục đích chính của trang này là thúc đẩy khách hàng thực hiện hành động (mua hàng, nhận tư vấn,…), tăng chuyển đổi và doanh thu.
Tối ưu hóa Landing Page bán hàng là gì?
Đây là quá trình cải thiện các thành phần khác nhau trên Landing Page (Call To Action, bố cục, hình ảnh, thông tin,…). Mục đích cuối cùng là thu hút khách hàng tiềm năng, tối đa hóa tỷ lệ chuyển đổi, giảm chi phí quảng cáo.
Các loại Landing Page bán hàng cần tối ưu
Click-through Landing Page
Click-through Landing Page có thiết kế đơn giản, bao gồm tiêu đề hấp dẫn, mô tả ngắn gọn về sản phẩm, hình ảnh, video nổi bật. Khi khách hàng truy cập vào trang này sẽ được khuyến khích click vào nút CTA điều hướng đến trang tiếp theo (thường là trang “chốt sale”).
Lead Capture Landing Page
Lead Capture Landing Page (trang thu thập dữ liệu khách hàng tiềm năng) thông qua việc kêu gọi khách hàng điền biểu mẫu. Từ đó bạn sẽ có được họ tên, số điện thoại, email,… để triển khai các chiến lược Marketing tiếp theo.
Lưu ý: Nên cho khách hàng thứ gì đó trước khi kêu gọi họ đưa thông tin cho bạn (mã giảm giá, tài liệu hướng dẫn, ebook,…). Và đừng chèn cả Internal link hay External link nào khiến người xem rời khỏi trang nhé.
Long-form Sales Landing Page
Long-form Sales Landing Page cung cấp thông tin chi tiết, giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng về sản phẩm (giới thiệu, giá, nhận xét từ khách hàng cũ, CTA,…).
Có thể nói, Landing Page này sẽ là nơi bạn “dùng mọi cách” để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. (Thông thường thì đây là trang mang lại nhiều chuyển đổi nhất.)
Viral Landing Page
Viral Landing Page (trang thúc đẩy quảng bá) thường cung cấp thông tin thú vị, gây sốc, có chèn các nút chia sẻ (Facebook, Twitter, Zalo,…). Mục đích là kêu gọi khách hàng quảng bá thương hiệu/ sản phẩm đến mọi người xung quanh.
Xem thêm: Viral Content là gì? 15 mẫu content viral cho bạn tham khảo
Unsubscribe Landing Page
Unsubscribe Landing Page (trang thông báo khách hàng đã hủy đăng ký thành công) nằm trong danh sách Landing Page bán hàng nghe có vẻ “ngược đời”. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng nó để nhắc khách hàng xem xét lại quyết định của họ, thuyết phục họ xem sản phẩm liên quan hơn,…
Microsite
Microsite là trang độc lập, tập trung vào một chủ đề và được xem là “đứa con” của trang web chính. Nó sẽ bao gồm một hoặc nhiều trang khác nhau dành riêng cho mục đích cụ thể (chiến dịch tiếp thị, sản phẩm, sự kiện, dự án,…).
Các trang 404
Nếu khách hàng truy cập vào các trang hiển thị lỗi 404, tỷ lệ họ rời khỏi website rất cao. Tuy vậy, hãy xem đây là một trang bổ trợ cho Landing Page bán hàng.
Bạn có thể thiết kế hình ảnh, gif, văn bản độc đáo,… để thu hút và giữ chân khách hàng. Sau đó chèn một liên kết dẫn đến các trang sản phẩm cũng giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi đáng kể đấy.
Các yếu tố cần kiểm tra khi tối ưu Landing Page bán hàng
- Tiêu đề: Một tiêu đề hấp dẫn sẽ tạo sự hứng thú, từ mò và giữ chân khách hàng ở lại đọc tiếp nội dung.
- Nội dung: Hãy đảm bảo phần nội dung được trình bày rõ ràng, thuyết phục và “xoáy” thẳng vào vấn đề của khách hàng.
- Hình ảnh: Sử dụng hình ảnh đồng bộ, có liên quan đến thương hiệu và sản phẩm, chất lượng ảnh nét, đẹp.
- Video: Video giới thiệu về sản phẩm, hướng dẫn đăng ký, cách sử dụng, hoặc video quảng cáo nhằm truyền tải thông điệp đến người xem. Độ dài video có thể từ 2 – 5 phút, chất lượng rõ nét và góc quay chuyên nghiệp.
- CTA: Viết một lời kêu gọi hành động khiến khách hàng phải click vào ngay theo đúng mục đích của bạn.
- Biểu mẫu: Đặt biểu mẫu ở vị trí phù hợp trên trang. Biểu mẫu cần trình bày rõ ràng với thiết kế đơn giản, dễ đọc.
- Thành tựu: Danh sách khách hàng nổi bật đã và đang hợp tác. Những đánh giá chính xác của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ.
- Khung chat trực tuyến: Hãy hỗ trợ khách hàng ngay khi họ cần. Nếu bạn “chăm sóc” tận tâm thì tỷ lệ chuyển đổi cùng cao hơn đấy.
- Màu sắc: Lựa chọn màu sắc bắt mắt, tương phản, tinh tế và làm nổi bật các nút CTA. Nên tránh sử dụng quá nhiều màu tạo cảm giác rối mắt, thiếu chuyên nghiệp.
- Phần đầu trang: Đưa những ưu đãi hấp dẫn, lợi ích khách hàng, điểm độc nhất của sản phẩm lên đầu trang để thúc đẩy khách hàng “xuống tiền” sớm hơn.
- Thông tin liên hệ: Hiển thị đầy đủ thông tin liên hệ như địa chỉ, số điện thoại, email, mạng xã hội,… ở vị trí dễ dàng nhìn thấy mỗi khi khách hàng cần.
Cách tối ưu Landing Page bán hàng
1. Xây dựng chân dung khách hàng
Bạn cần biết mình bán hàng cho ai để thiết kế Landing Page phù hợp. Ví dụ: Nếu bán hàng cho đối tượng 40 – 55 tuổi, màu sắc Landing Page phải sang trọng, câu từ chỉnh chu, nghiêm túc, chuyên nghiệp,…
Vì thế hãy tìm hiểu và phác họa thật rõ chân dung khách hàng, nên có các thông tin sau: Giới tính, tuổi, mức thu nhập, quan điểm sống, động lực, thói quen mua hàng, sở thích, vấn đề của họ,… Và bất kỳ thứ gì bạn thu thập được.
Từ những thông tin trên, bạn sẽ biết được: Giọng văn phù hợp, phong cách thiết kế, mục tiêu của khách hàng, mục tiêu của Landing Page, CTA thế nào cho hấp dẫn, cần nói gì để thuyết phục họ,…
Xem thêm: Customer Insight là gì? Từ A-Z cách phân tích Insight khách hàng
2. Xác định mục tiêu thiết kế
Dựa vào phần “Các loại Landing Page bán hàng cần tối ưu” mình đã nói ở trên. Bạn hãy chọn và xây dựng Landing Page với mục tiêu đúng theo từng giai đoạn.
Ví dụ: Với Lead Capture Landing Page, hãy tập trung tối ưu biểu mẫu và tìm cách kêu gọi khách hàng điền thông tin. Nếu là Long-form Sales Landing Page, hãy chú trọng đưa thông tin hữu ích, thuyết phục khách hàng mua sản phẩm.
3. Xác định Concept thiết kế
Về phần thị giác:
- Chỉ nên dùng 3 màu/ trang, màu sắc phải phù hợp với sản phẩm chủ đạo, thương hiệu.
- Thêm dấu hiệu định hướng để thu hút tầm mắt người xem đến các phần từ nhấp.
- Nút Call To Action ngắn gọn, hấp dẫn, nổi bật để thúc đẩy khách hàng click vào.
- Tối ưu hóa bố cục đơn giản, các phần tử nhấp đặt ở khoảng cách phù hợp, dễ dàng thao tác.
- Các yếu tố khác hỗ trợ hướng dẫn người dùng chuyển đổi.
Về phần nội dung:
- Truyền tải thông điệp quảng cáo, khuyến mại, tạo dựng lòng tin ở vị trí dễ nhìn thấy.
- Tiêu đề thật nổi bật, hấp dẫn để người xem chú ý.
- Đưa ra các lập luận, chứng minh, thuyết phục khách hàng mua sản phẩm.
- Cung cấp các đánh giá, portfolio, đối tác,… để khẳng định uy tín.
- Thông tin liên hệ.
Lưu ý: Đối với trang Long-form Sales Landing Page, bạn cần cung cấp thêm thông tin giới thiệu sản phẩm, tính năng, lợi ích, bảng giá,…
4. Tối ưu SEO
Về cơ bản, Landing Page vẫn là một trang web. Vì thế khách hàng cần tìm kiếm từ khóa để thấy được trang của bạn. Bạn có thể sử dụng Ahrefs, Ubersuggest,… để nghiên cứu từ khóa làm SEO. Chỉ cần nhập từ khóa chính, công cụ sẽ trả về: Từ khóa phụ, Volume từ khóa, độ khó, chi phí/ lượt nhấp khi chạy quảng cáo,…
Các tiêu chí cơ bản tối ưu SEO Landing bán hàng:
- Độ dài nội dung: Thực tế không có giới hạn nào đối với độ dài content Landing Page. Việc của bạn là viết sao cho thuyết phục được khách hàng. Nhưng hãy lưu ý, nếu nội dung quá dài, có thể khách hàng sẽ không đọc hết và rời đi.
- Thẻ Heading: Landing Page vẫn có H2, H3 như thường nhé. Bạn nên chèn từ khóa vào các Heading này (đặc biệt là từ khóa sản phẩm) để làm SEO dễ hơn nhé.
- Mật độ từ khóa: Từ khóa chỉ nên xuất hiện 1 – 3% tổng số từ của nội dung và bạn phải chèn nó thật hợp lý, tránh nhồi nhét quá nhiều khiến khách hàng khó chịu.
Xem thêm: Cách viết bài chuẩn SEO: 57 checklist đầy đủ nhất
5. Tối ưu CTA
CTA là thành phần quan trọng để tăng tỷ lệ chuyển đổi và thúc đẩy người dùng thực hiện hành động. Các yếu tố cần có của một CTA tốt:
- Nội dung CTA: Sử dụng các từ ngữ kêu gọi như “Tìm hiểu thêm”, “Khám phá ngay”, “Mua ngay”,… để khuyến khích khách hàng hành động.
- Thật ngắn gọn: CTA là một cụm từ, không phải câu hoàn chỉnh. Độ dài tốt nhất từ 3 – 7 chữ.
- Đưa ra lợi ích: Hãy nghĩ xem khách hàng sẽ nhận được gì khi thực hiện hành động, ví dụ “nhận ưu đãi 20%”.
- Thiết kế nổi bật: Đặt CTA ở một vị trí dễ thấy nhất, màu sắc tương phản với nền trang, kích thước phông chữ lớn.
- Yếu tố cấp bách: Thúc đẩy hành động bằng các cụm từ: “Duy nhất hôm nay”, “chỉ trong 24h”, “còn 5 sản phẩm cuối cùng”, “chỉ bán một lần dùng nhất”,…
- …
6. Tối ưu Landing Page trên di động
Có khoảng 30% mọi hoạt động trên website được truy cập bằng di động. Chính vì thế, nếu chỉ tối ưu giao diện Landing Page cho máy tính thôi thì chưa đủ. Hãy tạo ra một trang web thân thiện với người dùng điện thoại, máy tính bảng,… bằng cách:
- Cải thiện tốc độ tải trang.
- Bố trí các nút/ thành phần nhấp với khoảng cách phù hợp.
- Dễ dàng điều hướng.
7. Thử nghiệm A/ B
Thử nghiệm A/B là việc tạo ra 2 đối tượng A và B giống nhau hoàn toàn. Sau đó lần lượt thay đổi 1 vài yếu tố của đối tượng B và xem cái nào hiệu quả hơn.
Ví dụ: Từ Landing Page A, bạn nhân bản thêm một Landing Page B và chỉ thay đổi một vài yếu tố (ví dụ là tiêu đề, CTA). Từ đó quan sát xem trang nào hiệu quả hơn (thu hút nhiều traffic, tỷ lệ chuyển đổi cao,…).
Hãy thử nghiệm nhiều lần với các yếu tố khác nhau để tối ưu Landing Page bán hàng hiệu quả nhất.
8. Đánh giá kết quả
Các chỉ số chính để đánh giá Landing Page bán hàng có hiệu quả không:
- Lượng truy cập: Càng nhiều người vào thì khả năng chuyển đổi càng cao. Nếu con số này chưa được như kỳ vọng, hãy triển khai thêm các chiến dịch chạy quảng cáo tính phí, Email Marketing, mạng xã hội,…
- Tỷ lệ chuyển đổi: Trung bình một trang đích có tỷ lệ chuyển đổi ở mức 2,35% (các trang tốt sẽ từ 5 – 10%). Nếu con số này quá thấp hãy thử tối ưu lại nội dung bán hàng cho thuyết phục hơn, kết hợp chạy quảng cáo.
- Tỷ lệ thoát trang: Nếu con số này trên 50%, nghĩa là nội dung của bạn chưa thuyết phục, phù hợp, khách hàng không tìm thấy thứ họ cần, hoặc đơn giản là trang tải quá chậm.
- Nguồn truy cập: Hãy xác định đâu là nguồn mang đến lượng truy cập nhiều và ổn định nhất. Từ đó tập trung tạo content chất lượng cho kênh đó để kéo khách hàng về Landing Page.
- Tỷ lệ gửi: Đây là tỷ lệ người điền thông tin vào các biểu mẫu. Nếu tỷ lệ này thấp, bạn nên thử nghiệm A/B để tìm ra điểm hạn chế.
- Tỷ lệ bỏ qua biểu mẫu: Đây là tỷ lệ khách hàng đã điền thông tin nhưng không gửi đi. Vấn đề có thể đến từ biểu mẫu quá dài, lo ngại lộ thông tin,…
Lời kết
Vậy là mình đã hướng dẫn bạn cách tối ưu Landing Page bán hàng trong 8 bước đơn giản. Hãy thực hành ngay để tăng tỷ lệ chuyển đổi, bán được nhiều sản phẩm hơn nhé. Và đừng quên ghé thăm Kind Content để biết thêm nhiều kiến thức miễn phí!