Mục lục bài viết

14+ lỗi viết content thường gặp và cách khắc phục

Lỗi viết content thường gặp

Nếu bạn mắc phải một trong những lỗi viết content Kind liệt kê bên dưới, rất có thể bài viết của bạn không những không có kết quả mà nó còn có thể làm giảm uy tín của cả một thương hiệu.

Tương tự, nếu bạn đọc thật kỹ và luyện tập để khắc phục 14+ lỗi này, Kind đảm bảo bạn sẽ thấy được hiệu quả rõ rệt trong content của mình. Lưu lại đọc sau nếu bạn bận nhé, giờ đọc thật kỹ và chi chú nhé…

1. Xào nấu sai cách

Nhiều bạn xào nấu bài rất dở. Chỉ xào để né cái Tool kiểm tra đạo nhái là xong, rồi hả hê đăng bài.

  • Ví dụ: Kind đẹp trai, thanh lịch, tán gái giỏi.
  • Bạn viết lại là: Kind điển trai, lịch sự, biết tán gái.

Có thể Tool không bắt lỗi đạo văn thật. Nhưng người đã đọc bài gốc chắc chắn sẽ phát hiện ra. Khi đó, bạn (thương hiệu) là người ăn cắp. Ít nhất thì bạn cũng phải Xào Nấu được như này:

  • Ví dụ 1: Kind đẹp trai. Viết lại: Kind tuy không giàu, nhưng có rất nhiều người theo đuổi. (Người ta tự hiểu là Kind đẹp trai)
  • Ví dụ 2: Chúng tôi uy tín. Thì viết lại… Ở cấp 1 là: Chúng tôi không bao giờ làm gì thất tín. Ở cấp 2 là: Chúng tôi đã có mặt trên 64 tỉnh thành ở Việt Nam. (Tự người ta hiểu mình uy tín)

Không khó, bạn cứ tập nhiều sẽ quen nha. Tối viết xong, sáng mở mắt ra, nếu bài của bạn khác bài cũ và hay hơn, thì tức là đã thành công.

2. Đưa quá nhiều thông điệp vào câu

Điển hình là chèn quá nhiều các tính từ như: “cực kỳ tốt, rất hiệu quả, độc đáo, hoàn hảo,…”

Ví dụ câu: “Kind viết content ĐẲNG CẤP, từng bài đều có nét ĐỘC ĐÁO riêng, mang phong cách TINH TẾ, CHU ĐÁO, TẬN TÂM, là lựa chọn HOÀN HẢO cho doanh nghiệp trọng kinh doanh LÂU BỀN”.

Đọc xong thấy ớn luôn. Chưa tới 5s sau, trong đầu người đọc sẽ trống rỗng, vì nhiều quá không biết nên nhớ cái nào. Nên mỗi bài, chọn 1 trong số các từ in hoa trên làm thông điệp chính là đủ. Rồi lặp lại thông điệp đấy khoảng 3 lần sao cho thật tinh tế thì độc giả sẽ nhớ được.

Nhớ: Kind Content làm việc TÂM HUYẾT, TÂM HUYẾT, TÂM HUYẾT là được. Đùa chút, nhớ là: MỘT CÂU, thì bạn chỉ truyền đạt đúng MỘT THÔNG ĐIỆP thôi nha.

3. Dùng từ ngữ tiêu cực sai cách

Ví dụ bạn quảng cáo là: “Chiếc tủ lạnh này không kêu ồn ào đâu”. Thì người đọc xong chỉ đọng lại từ “kêu ồn ào”. Thay vì thế, bạn nên nói “Chị yên tâm, chiếc tủ lạnh này kêu rất êm” thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.

Nhưng nếu bạn dùng từ ngữ tiêu cực khi chia sẻ, với tiêu đề như “Đừng làm thế này, lỗi, sai lầm, bạn đang làm sai,…” thì nó lại thu hút được người đọc tốt hơn là tiêu đề tích cực.

4. Viết mà không quan tâm tới Marketing

Nếu bạn viết mà chẳng cần biết insight, pain point, USP, outline, công thức, strategy,.. là gì. Chỉ biết cặm cụi viết, thì đó là viết cho vui chứ nó sẽ chẳng đem lại kết quả gì cả.

Để content đạt hiệu quả, bạn cần hiểu rõ mục tiêu, có chiến lược và các kỹ thuật cụ thể để viết content thu phục khách hàng. Hay còn gọi là nắm vững kiến thức về Content Marketing đó. Những kiến thức này Kind có liệt kê ở đây rồi: Từ a – z về tài liệu content marketing từ free tới trả phí.

5. Không quan tâm người đọc là ai

Kind thấy nhiều nhất là mấy bạn viết về mặt hàng sang trọng, định hướng Page phải chuyên nghiệp. Tức là viết cho những doanh nhân, người có tiền đọc. Mà hem hiểu sao mấy bạn dùng từ, “hí hí, làm sao, hỉu hem,…”.

Đăng lên thì còn mất luôn thiện cảm chứ đừng nói là không hiệu quả. Cùng một câu nói, có người này thích, người kia không. Nên mình phải biết người đọc là ai, từ đó đáp ứng. Như thế bài viết mới duyên và hiệu quả được.n

6. Không biết nhu cầu của người đọc

Mỗi nhu cầu sẽ cần một thông điệp khác nhau. Ví dụ:

  • Khách hàng đã có nhu cầu mua hàng => Không cần nói về lợi ích, vì họ đã biết rõ nó giúp gì thì họ mới mua => Lúc này Content tập trung vào ƯU ĐÃI, GIẢM GIÁ, HẬU MÃI thì mới thu hút được khách hàng.
  • Khách hàng chưa biết sản phẩm của bạn là gì => Không biết, không có nhu cầu mua, có cho miễn phí họ cũng chẳng cần. => Content phải tập trung cho họ thấy LỢI ÍCH để họ muốn mua trước đã.

7. Không thuyết phục

Ví dụ: “Mỹ phẩm ABC an toàn cho sức khoẻ 100%”. Câu này nghe chẳng đáng tin chút nào. Thay vào đó chúng ta nên thêm lý do tin vào câu như sau: “Mỹ phẩm ABC có chứng nhận FDA của Mỹ đảm bảo an toàn sức khoẻ”. Có cơ sở khoa học rõ ràng, nghe sẽ thuyết phục hơn. Đừng bao giờ nói bất cứ thứ gì mà không có lý do, bằng chứng cụ thể.

8. Tiêu đề bài viết giống tagline trong ảnh

Nếu mắc lỗi này thì bạn đang lãng phí VỊ TRÍ VÀNG.

Title trùng với Tagline ảnh
Title trùng với Tagline ảnh

1. Giả sử người dùng định bỏ qua bài viết của bạn vì tiêu đề quá chán, nhưng kéo xuống thì họ thấy Tagline trên ảnh của bạn có vẻ đúng thứ họ cần => Họ bấm xem thêm để đọc tiếp. 2. Đặc biệt với bài bán hàng, bạn có thể thêm 1-2 thông tin cực thu hút như ƯU ĐÃI, FREESHIP, GIẢM GIÁ,…

Nói chung toàn cái lợi. Nên nhớ tận dụng 2 vị trí này nhé!

9. Không đầu tư cho tiêu đề/mấy dòng đầu

“90% thời gian viết bài tôi dành để nghĩ cái tiêu đề”. Câu này của ai Kind không nhớ rõ. Nói vậy để mấy bạn hiểu tầm quan trọng của cái tiêu đề, nó mà dở thì bài coi như bỏ vì người ta có đọc tiếp đâu. (Trừ khi cái ảnh của bạn quá hay, như Kind nói phần 7 á) Nhưng câu đó cũng hơi nói quá, mấy bạn mà biết cách thì tiêu đề hay mất tầm 1 – 2 phút mà thôi, gì mà 90% thời gian được. Xem thêm: 40 cách viết tiêu đề hay & 80 mẫu title thu hút.

10. Lặp lại nghĩa trong câu từ

Lỗi này có vẻ ở thói quen khi nói ở ngoài đời. Ví dụ lỗi trong câu: Kind là người rất siêng năng và chăm chỉ trong công việc. Lặp từ siêng năng/chăm chỉ – thực ra hai từ này đồng nghĩa, nghe có vẻ khá thuận tai nhưng lại rất thửa thải. Bạn chỉ nên chọn một trong hai mà thôi.

Còn lỗi nặng hơn thì có lẽ là ở câu: “Cần cù bù siêng năng” của ai đó rất hot trên MXH. Lỗi này Kind thấy cách khắc phục hay nhất là đọc thật nhiều sách để quen với việc dùng từ. Kind giới thiệu bạn: 9 cuốn sách hay về Content Marketing bạn nhất định phải đọc

11. Chèn quá nhiều icon vào bài viết.

Bài 1 đến 2 màu thôi. Thêm icon chi chít làm gì, nhìn ớn lắm. Trẻ trâu thời này giờ cũng chả thích mấy icon cùi bắp này nữa rồi. Hơn hết nó nhìn rất giống bài bán hàng (dù có bán hàng thật), người dùng rất kỵ.

12. Trình bày không đẹp, không khoa học

Lưu ý là trình bày không đẹp chứ không phải xấu nữa rồi, vì đây là việc bạn hoàn toàn có thể làm dễ dàng. Kind đã liệt kê: 16 yếu tố giúp bạn trình bày bày nội dung một cách đẹp mắt, khoa học rồi đây.

13. Cố gắng viết dài

Nhiều bạn hay viết theo kiểu: Có đúng 1 ý mà viết dài bằng 10 ý, vậy chẳng ai dám đọc. Và viết kiểu cố gắng kéo dài nhìn tưởng dễ nhưng lại khó, vì câu từ ghê lắm mới viết nổi 1 thành 10 chứ?

Hãy nhớ: Viết dài ở ý thì được, ví dụ bài của mình có 10 ý, mỗi ý chỉ viết vài dòng mô tả thì sẽ nhẹ tựa lông hồng. Đã thế người đọc còn thích vì thông tin đầy đủ mà lại ngắn gọn.

Khắc phục:

  • Với writer: Hãy thêm ý vào bài, viết sẽ dễ hơn nhiều, chất lượng cũng được đảm bảo. Và hãy tập cách lên dàn ý (Outline) trước khi viết để khắc phục vấn đề này triệt để nhé.
  • Với sếp, quản lý content thì: không nên đặt KPI theo số từ, vì làm thế người viết sẽ đối phó. Và bạn cũng nên biết cách lên Outline để định hướng cho writer viết chuẩn nhất.

14. Chưa nghiên cứu mà đã lao vào viết

Cái này gọi là GỒNG TRONG VÔ VỌNG, vì đầu có gì đâu mà viết? Để kiểm tra bạn đã nghiên cứu ĐỦ hay CHƯA, hãy hỏi câu này: “Tôi đã nói được lưu loát vấn đề tôi định viết chưa? Nếu nói được, viết sẽ được. À, hỏi 1 câu trên nếu bạn định viết cho vui nhé. Còn viết để kiếm tiền, bán hàng, hay thu lại gì đó thì phải hỏi thêm ít nhất 7 câu này:

  • Mục tiêu bài viết là gì?
  • Viết cho ai đọc?
  • Hình dung ra chủ đề/nội dung hay ý tưởng nào để viết bài chưa? (Bài SEO thì: Có từ khóa, dàn ý viết bài chưa?)
  • Người đọc được lợi ích gì?
  • Nên viết bài này luôn, hay còn bài khác cần ưu tiên hơn?
  • Đã nói lưu loát cái bài định viết chưa?
  • Quy trình viết thế nào cho nhanh?

Trả lời được trơn tru, thì lúc này viết rất dễ.

15. Cố gắng tạo ra một bài viết hoàn hảo

Cá nhân Kind rất hay mắc lỗi này, một bài viết đọc đi đọc lại gần chục lần mới xuất bản. Viết ra để toát hết ý thì nhanh, nhưng sửa cho thì phải 95% hoàn hảo mới chịu. Vì tính này nên dù Kind có kỷ luật, nhưng cố lắm thì mình cũng chỉ viết được 1-2 bài/ngày. Có khi giảm xuống 85% mà ra 3-4 bài thì tốt cho kinh doanh hơn.

Kết,

Để khắc phục các lỗi này chắc cũng không phải 1 sớm 1 chiều là được, mà cứ từ từ tập rồi sẽ quen. Ai cảm thấy khó quá thì để dịch vụ viết content của Kind làm cho chuẩn 100%, cam kết chất lượng nên khỏi lo nhé. Và, bài này là 15 lỗi viết Content nói chung. Phần tới Kind sẽ chia sẻ thêm 20+ sai lầm thường gặp khi viết Content chuẩn SEO.

Chia sẻ lên:
Picture of Lâm Nguyễn
Lâm Nguyễn
Mình là Lâm, Founder của Kind Content và Moderator của cộng đồng Tâm Sự Con Sen. Mình đã triển khai hơn 200 dự án Content & SEO cho nhiều công ty từ bé đến lớn, điển hình như TNS, Vietnix, FPT,... Đồng thời mình cũng đam mê với việc phát triển bản thân qua những khóa học, sách, phim nổi tiếng trên thế giới.

Liên hệ với chuyên gia
Kind Content hôm nay