Cách nghiên cứu từ khóa từ A – Z mới nhất 2024 [Mẫu cụ thể]

Mục lục bài viết
Nghiên cứu từ khóa

Bạn muốn website của mình nổi bật trên Internet? Hay muốn SEO Website của mình lên Top? Chìa khóa đằng sau sự thành công đó tới chính là nhờ nghiên cứu từ khóa. Vậy từ khóa là gì? Keyword Research là gì? 

Hãy cùng Kind Content tìm hiểu sâu hơn cách nghiên cứu từ khóa nhé. Mình đảm rằng sau khi đọc xong bài này bạn sẽ tự có thể làm được, sẽ có rất nhiều ví dụ, mẫu để bạn tải về tham khảo đó!

Khám phá về từ khóa (Keyword)

Tìm hiểu từ khóa là gì? 

Từ khóa, hoặc “keyword”, là một từ hoặc cụm từ mà người dùng gõ vào công cụ tìm kiếm như Google để tìm thông tin. Các trang web sẽ cố gắng tối ưu hóa nội dung của họ để phù hợp với các từ khóa phổ biến, nhằm thu hút người truy cập vào website từ các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Yahoo,… 

Nghiên cứu từ khóa (Keyword Research) là gì? 

Nghiên cứu từ khóa là quá trình tìm hiểu, phân loại và chọn lựa những từ khóa tiềm năng nhất để áp dụng trong chiến lược SEO hoặc quảng cáo của bạn.

Mục tiêu là hiểu được những gì mà người dùng đang tìm kiếm và làm thế nào để trang web của bạn trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy cho những câu hỏi của họ. 

Phân loại các loại từ khóa 

Theo kinh nghiệm của mình thì nó có thể phân ra làm rất nhiều các loại từ khóa, và chúng có thể sẽ thay đổi tùy theo ngữ cảnh và mục tiêu. Dù vậy, dưới đây là những tên gọi chung mà dân SEO thường sử dụng:

  • Từ khóa mua hàng (Buyer Keywords): Từ khóa mua hàng là những từ khóa người dùng tìm kiếm khi họ có ý định mua sắm, thường chứa từ như “mua”, “giá rẻ” hoặc “khuyến mãi”.
  • Từ khóa thông tin (Informational Keywords): Những từ khóa mà người dùng tìm kiếm khi họ đang tìm kiếm thông tin, chẳng hạn như “cách sử dụng iPhone 13”.
  • Từ khóa địa phương: Từ khóa này liên quan đến một vị trí địa lý cụ thể. Ví dụ: “điện thoại iPhone tại Hà Nội”.
  • Từ khóa mầm (Seed Keywords): Những từ khóa ngắn gọn và trực tiếp liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, ví dụ “điện thoại di động”, “máy giặt”, hoặc là “marketing”, “SEO”,…
  • Từ khóa thương hiệu (Branded Keywords): Những từ khóa chứa tên thương hiệu của bạn. Ví dụ: “Apple Store”.
  • Từ khóa cạnh tranh (Competitor Keywords): Những từ khóa mà đối thủ cạnh tranh của bạn đang sử dụng để thu hút khách hàng. Ví dụ: “iPhone 15” đối đầu với “Samsung Galaxy S22”.
  • Từ khóa ngữ nghĩa (LSI Keywords): Đây là những từ hoặc cụm từ có cùng nghữ nghĩa với từ khóa chính của bạn. Ví dụ: “camera”, “màn hình”, và “pin” có thể là các từ khóa LSI cho “điện thoại”.
  • Từ khóa dài (Long Tail Keywords): Từ khóa dài hơn, chính xác hơn, và thường ít cạnh tranh hơn. Ví dụ: “điện thoại Android giá rẻ nhất”.
  • Từ khóa bóng ma (Phantom Keywords): Là những từ khóa có người tìm kiếm nhưng lại có thông tin trên Internet khá ít. Khai thác những từ khóa này có thể đưa website của bạn lên đầu trang tìm kiếm Google một cách dễ dàng.

Các thuật toán của Google ảnh hưởng tới việc nghiên cứu từ khóa

Thuật toán tìm kiếm của Google luôn thay đổi và tiến hóa, tác động mạnh mẽ đến việc nghiên cứu từ khóa và chiến lược SEO. Dưới đây là một số cách mà các thuật toán của Google ảnh hưởng đến quá trình này:

  • Thuật toán Google Hummingbird: Tập trung vào ý nghĩa của cả câu truy vấn thay vì chỉ từ khóa riêng lẻ, giúp tìm kiếm trở nên chính xác hơn.
  • Thuật toán Google RankBrain: Sử dụng học máy để hiểu cách người dùng tương tác với kết quả tìm kiếm và cải thiện chất lượng kết quả dựa trên thông tin này.
  • Thuật toán Google Panda: Đánh giá chất lượng nội dung trang web, hạ thứ hạng những trang có nội dung kém hoặc sao chép.
  • Thuật toán Google Penguin: Trừng phạt trang web tạo ra backlink không tự nhiên và sử dụng kỹ thuật nhồi từ khóa.
  • Cập nhật BERT: Thuật toán này tập trung vào việc hiểu ngữ nghĩa và ngữ cảnh của từ khóa trong câu. Giúp Google có khả năng hiểu câu hỏi của người dùng một cách tốt hơn, trả lời được câu hỏi cụ thể hơn.

Để hiểu rõ hơn và không bỏ sót bất kỳ thông tin quan trọng nào về các thuật toán của Google, bạn đừng bỏ lỡ bài viết: “16 thuật toán Google năm 2023 mà SEOer phải biết

Lý do cần thực hiện nghiên cứu từ khóa 

  • Nắm bắt thông tin khách hàng: Từ khóa mà khách hàng tìm kiếm giúp hiểu rõ ý thức, nhu cầu và sở thích của họ, tối ưu nội dung và dịch vụ cho khách hàng.
  • Lựa chọn từ khóa dựa trên dữ liệu: Cho phép xác định từ khóa có lượng tìm kiếm cao, độ cạnh tranh thấp và tối ưu cơ hội đạt xếp hạng cao trên kết quả tìm kiếm.
  • Xác định hướng nội dung: Dựa vào từ khóa khách hàng tìm kiếm, giúp quyết định nội dung website, blog hoặc bài đăng trên mạng xã hội.
  • Tiết kiệm nguồn lực: Tập trung vào những từ khóa mà khách hàng quan tâm, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
  • Đánh giá đối thủ và tìm cơ hội từ khóa: Hiểu từ khóa mà đối thủ cạnh tranh đang tập trung và đưa ra chiến lược phù hợp.
  • Đánh giá hiệu quả SEO: Từ khóa là cơ sở quan trọng để đánh giá hiệu suất chiến lược SEO, theo dõi xếp hạng từ khóa và lưu lượng truy cập giúp đánh giá hiệu quả của nỗ lực SEO.

Hiểu rõ bản chất của nghiên cứu từ khóa

Nếu bạn hiểu lầm hoặc làm sai việc nghiên cứu từ khóa trước khi bắt đầu SEO, bạn có thể lãng phí hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng và rất nhiều thời gian.

Tưởng tượng bạn đã chi ra tiền bạc và mấy năm trời để thu hút được rất nhiều traffic vào website, nhưng những người này hoàn toàn không mua hàng của bạn.

Vậy nên, để tránh những sai lầm không đáng có, hãy cùng mình khám phá rõ bản chất của nó ngay dưới đây!

Tất cả các keywords dều bắt nguồn từ ý định tìm kiếm (Search Intent)

Ý định tìm kiếm (Search Intent) là mục đích cụ thể mà người dùng muốn đạt được thông qua việc tìm từ khóa trên Google. Nó thể hiện nhu cầu và mong muốn của người dùng khi tìm kiếm thông tin, sản phẩm hoặc dịch vụ trên Internet.

Ví dụ cụ thể:

Giả sử người dùng nhập từ khóa “làm bánh mỳ tại nhà” vào công cụ tìm kiếm. Trong trường hợp này, ý định tìm kiếm của họ sẽ thiên về việc tìm kiếm các công thức, hướng dẫn chi tiết và bí quyết để tự làm bánh mỳ tại nhà.

Cho nên bài viết của mình sẽ bắt buộc phải cung cấp những thông tin như thế này:

ĐúngSai
Bài viết hướng dẫn chi tiết cách thức làm bánh mỳ tại nhà từng bước một, kèm hình ảnh và video minh họa để cho người dùng có thể làm theo.Bài viết quảng cáo với thông tin rời rạc về bánh mì hoặc các dụng cụ làm bánh mà không hề có hướng dẫn cụ thể.

Việc hiểu rõ ý định tìm kiếm là bắt buộc, vì phải hiểu thì mình mới cung cấp nội dung phù hợp và giá trị cao cho người dùng được. Và khi bạn đáp ứng đúng nhu cầu của họ, tỷ lệ chuyển đổi và tương tác của nội dung sẽ cao hơn nhiều. 

Nhìn thì đơn giản như vậy, nhưng rất nhiều trường hợp các bạn lại viết sai nhu cầu của người dùng lắm đó.

Tới đây thì chắc bạn cũng thắc mắc rằng, vậy làm thế nào để biết chính xác Search Intent của người dùng đúng không? Qua phần kế nào!

Hiểu rõ 4 mục đích tìm kếm thông tin của User

4 ý định tìm kiếm (Search Intent)của user
4 ý định tìm kiếm (Search Intent)của user

Mục đích mua hàng:

Người dùng có ý định mua sắm hoặc thực hiện một hành động cụ thể, chẳng hạn như mua sản phẩm, đặt hàng online, hoặc đăng ký dịch vụ. Những từ khóa thể hiện ý định thực hiện giao dịch thường bao gồm các từ như “mua”, “giá rẻ”, “giảm giá”, “bán hàng”, và “đặt mua”.

Mục đích tìm kiếm thông tin:

Đây là loại ý định tìm kiếm phổ biến, khi người dùng muốn tìm thông tin, kiến thức, hoặc giải đáp câu hỏi cụ thể. Những từ khóa thể hiện ý định tìm kiếm thông tin thường có các từ khóa như “cách”, “hướng dẫn”, “nguyên nhân”, “lợi ích”, “định nghĩa”, và những từ khóa liên quan.

Mục đích điều hướng tới website

Người dùng có ý định truy cập vào một trang web cụ thể hoặc tìm thông tin về một thương hiệu, công ty, hay sản phẩm dịch vụ nào đó. Các từ khóa liên quan đến mục đích này thường bao gồm tên thương hiệu, tên công ty, hoặc tên sản phẩm dịch vụ cụ thể.

Mục đích nghiên cứu thị trường

Đây là ý định tìm kiếm khi người dùng đang tìm hiểu thị trường, so sánh sản phẩm dịch vụ, hoặc tìm kiếm thông tin để đưa ra quyết định mua hàng sau này. Những từ khóa phản ánh ý định nghiên cứu thị trường thường bao gồm “đánh giá”, “so sánh”, “nhược điểm”, “ưu điểm”, “đánh giá sản phẩm A vs sản phẩm B”. 

Vậy làm thế nào để xác định Search Intent chính xác nhất?

Xác định Search Intent nhờ nghiên cứu từ khóa: 

Sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa để tìm hiểu các từ khóa liên quan đến lĩnh vực của bạn, nhờ đó bạn sẽ dễ dàng nhận beiest được ý định tìm kiếm mà người dùng có thể sử dụng.

Ví dụ:

Khi nghiên cứu từ khóa “làm bánh mỳ tại nhà”, bạn có thể thấy các từ khóa liên quan sau:

  1. Công thức làm bánh mỳ tại nhà
  2. Hướng dẫn làm bánh mỳ mềm mịn
  3. Bí quyết nướng bánh mỳ thơm ngon

Từ các từ khóa này, bạn có thể suy ra ý định tìm kiếm của người dùng là tìm kiếm các công thức và hướng dẫn cụ thể để làm bánh mỳ tại nhà, đồng thời muốn tìm hiểu các bí quyết để làm bánh mỳ thơm ngon và mềm mịn.

Xác định Search Intent nhờ kết quả tìm kiếm trên Top: 

Tham khảo các kết quả tìm kiếm hiển thị khi nhập từ khóa vào công cụ tìm kiếm. Xem các bài viết, sản phẩm hoặc dịch vụ mà người dùng thường tìm kiếm liên quan đến từ khóa đó.

Các bài mà Google đưa lên vị trí đầu tiên chính xác là những gì mà người dùng muốn đọc. Cho nên đây khả năng lớn sẽ là ý định tìm kiểm của người dùng.

Quy trình 6 bước nghiên cứu từ khóa chuyên nghiệp 

Bước 1. Hiểu rõ lĩnh vực của bạn

Trước tiên, hãy bắt đầu từ việc định rõ lĩnh vực bạn đang hoạt động. 

Mình lấy ví dụ bạn đang kinh doanh lĩnh vực cửa gỗ, thì bạn sẽ cần hiểu rõ ngành hàng này, từ các loại gỗ được sử dụng, đến các kiểu dáng và phong cách cửa gỗ phổ biến. Sau đó xác định khách hàng mục tiêu, họ là ai, họ quan tâm đến điều gì và họ đang tìm kiếm gì?

Việc này giúp bạn chọn ra những từ khóa vừa có khả năng lên top, vừa thỏa mãn nhu cầu của khách hàng tiềm năng và vừa đem lại lợi nhuận cho bạn.

Bước 2: Xác định từ khóa mầm (Seed Keyword)

Việc chọn Seed Keyword cần phải dựa trên sự hiểu biết về lĩnh vực, sản phẩm, và khách hàng. Ví dụ, nếu bạn chủ yếu bán cửa gỗ cao cấp, Seed Keyword “cửa gỗ cao cấp” sẽ phản ánh đúng hơn mục tiêu và sản phẩm của bạn so với chỉ “cửa gỗ”.

Việc chọn đúng Seed Keyword không chỉ quan trọng với việc đưa website lên trang nhất của Google, mà còn đảm bảo rằng traffic đến website của bạn chính là những người có khả năng trở thành khách hàng tiềm năng. Đừng tốn thời gian vào những Seed Keyword không đem lại giá trị cho bạn nhé.

Bước 3. Phân tích từ khóa

Để phân tích từ khóa bạn có thể sử dụng nhiều công cụ như Ahrefs, Semrush, Moz, nhưng công cụ được sử dụng phổ biến nhất vẫn là Keyword Planner của Google. Vì đây là công cụ của Google nên có rất nhiều lợi ích, và hơn hết là nó miễn phí.

Dưới đây là từng bước để sử dụng công cụ Keyword Planner:

Bước 3.1: Truy cập Google Keyword Planner

Truy cập Google Keyword Planner tại địa chỉ https://ads.google.com/intl/vi_vn/home/tools/keyword-planner/.

Trang chủ Google Keyword Planner
Trang chủ Google Keyword Planner

Bước 3.2: Chọn ‘Công cụ lập kế hoạch từ khóa’

  • Chọn công cụ ‘Công cụ lập kế hoạch từ khóa’ trên trang chủ của Google Keyword Planner.
  • Đăng ký và đăng nhập nếu bạn chưa có tài khoản (Miễn phí và rất nhanh).
  • Tiếp tục vào ‘Khám phá các từ khóa mới” để tới chỗ nhập xuất.

Bước 3.3: Nhập từ khóa cần phân tích

Nhập từ khóa bạn muốn phân tích vào khung tìm kiếm và nhấp vào “Nhận kết quả”. Ví dụ, nếu bạn muốn tìm từ khóa liên quan đến cửa gỗ, hãy nhập ‘cửa gỗ’ vào khung tìm kiếm.

Nhập từ khóa vào Google Keyword Planner
Nhập từ khóa vào Google Keyword Planner

Bước 3.4: Phân tích kết quả

Công cụ này sẽ cung cấp cho bạn một bảng dữ liệu với nhiều thông tin khác nhau về từ khóa. Các thông tin quan trọng mà bạn nên chú ý đến bao gồm:

  • Từ khóa (Keywords): Từ khóa mà người dùng tìm kiếm liên quan tới từ khóa bạn nhập
  • Số lần tìm kiếm trung bình hàng tháng (Volume): Số lần mà từ khóa được tìm kiếm mỗi tháng trên Google.
  • Cạnh tranh (KD – Keyword Difficulty): Đánh giá mức độ cạnh tranh của từ khóa trong quảng cáo Google Ad
  • Giá thầu (CPC – Cost Per Click): Số tiền mà nhà quảng cáo phải trả cho mỗi lần người dùng nhấp chuột vào quảng cáo của họ từ từ khóa.
Kết quả từ Keyword Planner
Kết quả từ Keyword Planner

Bước 3.5: Tải về bảng dữ liệu

Bạn có thể tải xuống bảng dữ liệu này để tiếp tục phân tích. Để tải xuống, nhấp vào biểu tượng tải xuống (hình mũi tên xuống) ở góc trên bên phải của bảng.

Tải về bảng dữ liệu từ khóa
Tải về bảng dữ liệu từ khóa

Bước 3.6: Lọc dữ liệu

Một khi bạn đã tải xuống bảng dữ liệu, bạn có thể xóa bớt các cột không quan trọng hoặc không cần thiết. Thông thường, những thông tin quan trọng nhất khi phân tích từ khóa bao gồm “Volume, “Click”, và “KD”, còn các cột khác bạn có thể xóa đi cho gọn.

Qua quá trình phân tích, bạn sẽ dần hiểu rõ những từ khóa nào có giá trị cao, nên tập trung SEO. Đồng thời, việc này cũng giúp bạn phát hiện các từ khóa tiềm năng mà có thể bạn chưa chú ý tới.

Bước 4: Mở rộng bộ từ khóa

Sau khi đã có bộ từ khóa ban đầu, công việc tiếp theo là mở rộng và phân loại chúng. Điều này giúp bạn không bỏ sót các từ khóa tiềm năng có thể thu hút thêm traffic cho website của bạn.

Sử dụng các công cụ tìm kiếm từ khóa đa dạng: 

Mỗi công cụ tìm kiếm từ khóa có những thuật toán và cách thức phân tích khác nhau, do đó việc sử dụng đa dạng các công cụ có thể giúp bạn có một cái nhìn toàn diện hơn về từ khóa tiềm năng của mình.

Dưới đây là một số công cụ bạn có thể thử:

  • Keyword Shitter: Đây là một công cụ độc đáo và dễ sử dụng, nhưng mang lại nhiều kết quả hữu ích. Bạn chỉ cần nhập từ khóa của mình, sau đó nhấn nút “Shit Keywords!”, Keyword Shitter sẽ bắt đầu phát sinh ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn từ khóa liên quan đến từ khóa bạn nhập.
  • AnswerThePublic: Công cụ này sẽ trả về các câu hỏi phổ biến mà người dùng đặt ra liên quan đến từ khóa của bạn. Đây là một cách tuyệt vời để nắm bắt được những thắc mắc, quan tâm của người dùng và từ đó, bạn có thể tạo ra nội dung phù hợp với những câu hỏi này.
  • AlsoAsked: Tương tự như AnswerThePublic, công cụ này sẽ trả về các câu hỏi mà người dùng thường đặt ra liên quan đến từ khóa của bạn. Tuy nhiên, AlsoAsked trình bày các câu hỏi theo cấu trúc phân cấp, giúp bạn hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các câu hỏi.
  • LSI Graph: Đây là một công cụ tìm kiếm từ khóa LSI (Latent Semantic Indexing), giúp bạn tìm ra các từ khóa liên quan mà Google coi là cùng nghĩa với từ khóa của bạn.

Nhớ rằng, mỗi công cụ sẽ mang lại cho bạn một góc nhìn riêng, do đó sự đa dạng trong việc sử dụng công cụ sẽ giúp bạn có một bộ từ khóa mở rộng và phong phú hơn.

Nghiên cứu từ khóa từ đối thủ

Một trong những phương pháp hiệu quả để mở rộng bộ từ khóa của bạn là phân tích đối thủ.

Điều này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn sâu hơn về chiến lược từ khóa của họ và cung cấp cho bạn ý tưởng về các từ khóa mới mà bạn có thể chưa nghĩ đến.

Đây là cách nghiên cứu từ khóa từ đối thủ trên Ahrefs: 

1. Đăng nhập Ahrefs: Bạn nên tạo tài khoản và sử dụng miễn phí, hoặc tìm kiếm mua chung ahrefs trên Google để có mức phí tốt hơn nhé. Chứ mua thẳng sẽ tốn cả 99$/ tháng đó.  

2. Tìm ra danh sách đối thủ cạnh tranh

Trong “Site Explorer”, nhập URL trang web của bạn.

Chọn mục “Competing Domains” hoặc “Competitors”. Đây là nơi liệt kê những website cạnh tranh trực tiếp với website của bạn.

Nếu website của bạn hoàn toàn mới tinh, thì bạn có thể tự tìm trên Google một website chung lĩnh vực với bạn rồi bỏ vào Ahrefs nghiên cứu như thường nhé.

3. Phân tích từ khóa của đối thủ

Chọn một đối thủ từ danh sách. Click vào phần sử dụng mục “Organic Keywords” để xem các từ khóa mà họ đang được xếp hạng.

Hoặc bạn cũng có thể vào phần “Site Explorer”, vào thanh URL của đối thủ vào khung tìm kiếm và nhấn “Enter” và Ahrefs, sau đó cũng click vào phần “Organic Keywords”.

4. Sau khi chọn mục “Organic keywords”

Bạn sẽ thấy một danh sách các từ khóa mà website đối thủ đang được xếp hạng trên các công cụ tìm kiếm.

Danh sách này cho bạn biết từ khóa, vị trí xếp hạng, lưu lượng tìm kiếm hàng tháng, và nhiều thông tin khác.

5. Phân tích và chọn lọc

Xem xét các từ khóa mà đối thủ của bạn đang xếp hạng cao. Đặc biệt chú ý đến những từ khóa có lưu lượng tìm kiếm cao mà bạn chưa sử dụng.

Bạn cũng nên chú ý đến các từ khóa có độ khó thấp mà đối thủ đang tận dụng. Điều này có thể là cơ hội để bạn cạnh tranh và vượt trội hơn họ.

6. Xuất thông tin

Nếu bạn muốn lưu thông tin này để phân tích sau, bạn có thể xuất danh sách từ khóa ra dưới dạng file Excel hoặc CSV.

7. Lặp lại với đối thủ khác

Để có cái nhìn đa chiều và đầy đủ hơn, bạn nên lặp lại quá trình này với ít nhất 3-5 đối thủ khác.

Sử dụng Google Suggest (Gợi ý của Google) và “Nội dung tìm kiếm khác”

Google Suggest và chức năng “Nội dung tìm kiếm khác” là công cụ hữu ích để mở rộng bộ từ khóa của bạn. Khi bạn nhập một từ khóa vào thanh tìm kiếm của Google, Google sẽ hiển thị một danh sách các gợi ý từ khóa phổ biến liên quan. 

Google đề xuất ý tưởng từ khóa
Google đề xuất ý tưởng từ khóa

Tương tự, “Nội dung tìm kiếm khác” sẽ hiển thị một danh sách các tìm kiếm phổ biến mà người dùng cũng tìm kiếm liên quan đến từ khóa của bạn.

Phần "Nội dung tìm kiếm khác" của Google
Phần “Nội dung tìm kiếm khác” của Google

Tìm kiếm từ khóa trên Forum và các nhóm

Forum, nhóm trên các trang mạng xã hội như Facebook hay Reddit, là nguồn tuyệt vời để tìm kiếm từ khóa. Những nơi này thường chứa các câu hỏi, thảo luận và vấn đề thực tế mà khách hàng của bạn đang đối mặt. 

Bằng cách phân tích các cuộc thảo luận này, bạn có thể tìm ra những từ khóa mà khách hàng tiềm năng của bạn đang sử dụng.

Tìm keyword viết bài trên cộng đồng
Tìm keyword viết bài trên cộng đồng

Xây dựng các cụm chủ đề (Topic Cluster)

Topic Cluster là một cấu trúc nội dung gồm một trang chủ (hay còn gọi là “pillar page”) nói về một chủ đề chung lớn và nhiều trang con (hay “cluster content”) tập trung vào các khía cạnh cụ thể của chủ đề đó, tất cả đều được liên kết với nhau để tạo nên một cấu trúc nội dung có hệ thống.

Điều này giúp bạn không chỉ tối ưu hóa từ khóa chính, mà còn khai thác được nhiều từ khóa liên quan khác, mở rộng phạm vi đạt được của trang web.

Để xây dựng cấu trúc nội dung theo dạng này thì mình đã có bài viết ở đây rồi nhé: Topic Cluster là gì? 7 bước xây dựng cấu trúc nội dung hoàn hảo!

Bước 5: Chiến lược chọn lọc từ khóa phù hợp

Sau khi đã thu thập được một danh sách đa dạng các từ khóa từ các nguồn khác nhau, bước tiếp theo là lựa chọn lọc từ khóa phù hợp cho website của bạn

Và hãy nhớ không phải tất cả từ khóa đều mang lại giá trị như nhau. Một số keywords sẽ tạo lượng traffic lớn, nhưng lại không có chuyển đổi, trong khi một số khác sẽ tạo ra ít traffic hơn nhưng có tỷ lệ chuyển đổi cao.

Do đó, việc hiểu và xác định đúng các từ khóa cần ưu tiên là rất quan trọng.

Ưu tiên những từ khóa mang mục đích mua hàng, chuyển đổi

Như đã nói ở trên, những người dùng sẽ có 4 mục đích tìm kiếm chính là mua hàng, thông tin, điều hướng và điều tra thương mại. Vậy mình sẽ ưu tiên dạng nào trước?

Đó là những từ khóa có mục đích mua hàng. Những từ khóa này nên được ưu tiên tối ưu hóa đầu tiên. Chúng thường bao gồm các từ như “mua”, “giá rẻ”, “giảm giá”, hoặc tên sản phẩm/ dịch vụ của bạn. 

Mục đích của việc tối ưu hóa những từ khóa này là để:

  • Giúp Google xác định trang web của bạn là một nơi thực hiện giao dịch.
  • Thu hút người dùng có ý định mua hàng, giúp họ có thể thực hiện giao dịch ngay lập tức.
  • Hạn chế lưu lượng truy cập lãng phí, tức là người dùng tìm thấy trang web của bạn nhưng không tìm thấy sản phẩm mà họ cần.

Sau khi đã tối ưu các từ khóa mục đích mua hàng, chúng ta mới qua giai đoạn thứ hai là các từ khóa với mục đích tìm kiếm thông tin & những dạng từ khóa khác nếu lĩnh vực của bạn cần.

Cụ thể hơn dưới đây là thứ tự viết bài mà bạn nên ưu tiên:

  1. Ưu tiên tất cả các chủ đề liên quan tới mua hàng. Ví dụ lĩnh vực “cửa gỗ” thì bạn có thể viết về giới thiệu các sản phẩm, danh mục sản phẩm, “bảng giá cửa gỗ”, “cửa gỗ mua ở đâu”, “công ty cửa gỗ”,…
  2. Đến lượt các từ khóa thông tin hữu ích liên quan trực tiếp tới sản phẩm. Ví dụ lĩnh vực “cửa gỗ” thì bạn có thể viết bài về “so sánh cửa gỗ”, “cấu tạo cửa gỗ”, “tiêu chuẩn cử gỗ”,…
  3. Sau khi xong hết, bạn có thể viết những bài liên quan xa hơn tới sản phẩm của mình để kéo thêm nhiều traffic hơn. Ví dụ: “Phong thủy nhà cửa”, “thiết kế nhà”, “nội thất trong nhà:,…

Chưa hết, sau khi ưu tiên những dạng này, chúng ta tiếp tục sẽ đào sâu hơn vào 

Ưu tiên từ khóa dạng long tail

Từ khóa dạng long tail là các cụm từ khóa dài, thường chứa từ 3 từ trở lên. Những từ khóa này thường mô tả một yêu cầu cụ thể hoặc chi tiết hơn. Ví dụ, “giày thể thao nam size 42 màu đen” là một từ khóa dạng long tail. 

Lý do nên ưu tiên từ khóa dạng long tail (Long Tail Keywords):

  • Chính xác và có định hướng: Từ khóa dạng long tail thường rất cụ thể và chính xác về ý định tìm kiếm của người dùng.
  • Cạnh tranh thấp hơn: Các từ khóa này thường ít bị cạnh tranh, giúp bạn dễ dàng xếp hạng cao hơn trên công cụ tìm kiếm.
  • Tỷ lệ chuyển đổi cao: Người dùng tìm kiếm bằng từ khóa dạng long tail thường ở giai đoạn gần cuối quá trình mua hàng, do đó tỷ lệ chuyển đổi thường cao hơn.
  • Quảng cáo CPC/PPC: Nếu bạn chạy các chiến dịch quảng cáo trả tiền, việc sử dụng từ khóa dạng long tail sẽ giảm chi phí mỗi lần nhấp và tăng tỷ lệ chuyển đổi.
  • Tăng cường sự hiểu biết về khách hàng: Các từ khóa dạng long tail giúp bạn hiểu rõ hơn về ý định và nhu cầu cụ thể của khách hàng.

Bạn có thể xem chi tiết hơn ở bài viết này: Long tail Keyword là gì? 15 cách tìm kiếm từ khóa đuôi dài hiệu quả

Ưu tiên từ khóa dạng Phantom keywords

Phantom Keywords là những từ khóa mà có lượt tìm kiếm nhưng các đối thủ của bạn lại đang bỏ qua. Ví dụ từ khóa: “công cụ họ tiếng Anh dành cho người đi làm” hiện tại trên SERP chưa có bài viết nào, nhưng volume của nó có 500 người tìm kiếm/ tháng. Thì khi bạn là người đầu tiên viết chủ đề này, nghiễm nhiên bạn chiếm vị trí Top 1.

Trường hợp nên sử dụng từ khóa Phantom:

  • Website mới: Giống như từ khóa long tail, website mới có thể sử dụng Phantom Keywords để đạt được xếp hạng nhanh chóng trên công cụ tìm kiếm mà không cần phải cạnh tranh với những trang web lớn.
  • Nội dung chất lượng cao: Khi bạn có nội dung chất lượng cao và độc đáo, việc tập trung vào Phantom Keywords sẽ giúp trang web của bạn thu hút đúng đối tượng mục tiêu.
  • Những chiến dịch quảng cáo đặc biệt: Đối với các chiến dịch quảng cáo hoặc khuyến mãi đặc biệt, việc sử dụng Phantom Keywords sẽ giúp bạn tiếp cận một phân đoạn thị trường cụ thể và tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Và cả bài viết này này: Phantom Keywords là gì? 4 bước triển khai từ khóa bóng ma hiệu quả

Bước 6: Nhóm từ khóa vào từng Topic

Khi bạn tiến hành nghiên cứu từ khóa và thu thập một lượng lớn từ khóa, sẽ không tránh khỏi việc gặp phải những từ khóa khá giống nhau về hình thức lẫn ý nghĩa. 

Cách tiếp cận thông minh và hiệu quả là tổ chức chúng lại, để mỗi topic bạn viết chỉ cần tập trung vào một nhóm từ khóa cụ thể.

Mình ví dụ một danh sách từ khóa liên quan đến “điều hòa Daikin”:

  • Đánh giá điều hòa Daikin
  • Đánh giá chất lượng điều hòa Daikin
  • Đánh giá điều hòa Daikin 1HP
  • Điều hòa Daikin tốt không?
  • Đánh giá dòng điều hòa Daikin mới nhất

Có thể thấy rằng, tất cả các từ khóa trên đều xoay quanh việc “đánh giá” sản phẩm điều hòa của Daikin. 

Vậy nên thay vì viết nhiều bài viết riêng biệt cho từng từ khóa, ta có thể nhóm từ khóa vào một bài viết duy nhất là “Đánh giá toàn diện về điều hòa Daikin 1HP”.

Bài viết này sẽ đầy đủ thông tin mà trong đó đề cập đến tất cả những khía cạnh này. Như vậy thì bạn sẽ được Google đánh giá tốt hơn, và đỡ bị trùng lặp với các bài khác.

Dưới đây là một bảng từ khóa mà mình đã nhóm sẵn, mỗi một dòng sẽ là một topic riêng biệt. Bạn có thể xem kỹ để hiểu rõ hơn nhé:

Nhóm từ khoáTiêu đề cho TopicÝ định tìm kiếm
mua điện thoại iPhone 12
iPhone 12 giảm giá
giá iPhone 12 hôm nay
Hướng dẫn mua iPhone 12 với giá tốt nhấtNgười dùng muốn mua iPhone 12 và đang tìm giá tốt và khuyến mãi.
cách sử dụng iPhone 1
hướng dẫn cài đặt iPhone 12
iPhone 12 bí quyết
Hướng dẫn sử dụng iPhone 12 cho người mớiNgười dùng đã có iPhone 12 và muốn biết cách sử dụng hiệu quả.
điểm đánh giá iPhone 12
Phone 12 có tốt không
iPhone 12 so sánh
Đánh giá chi tiết về iPhone 12: Ưu nhược điểmNgười dùng muốn biết thông tin và đánh giá về iPhone 12.
iPhone 12 và iPhone 11 so sánh
iPhone 12 hay iPhone 11 tốt hơn
lựa chọn iPhone 12 hay iPhone 11
So sánh iPhone 12 và iPhone 11: Điểm khác biệt chínhNgười dùng muốn so sánh giữa hai mẫu điện thoại để quyết định mua hàng.

Hy vọng bảng này sẽ giúp bạn hiểu được cách nhóm từ khóa!

Lên kế hoạch triển khai nội dung với từ khóa đã nghiên cứu

Khi đã có trong tay danh sách từ khóa phù hợp, việc quan trọng tiếp theo là lên kế hoạch sử dụng chúng trong chiến lược nội dung của bạn.

Trình bày kế hoạch nội dung bằng Google Sheet

Khi lập kế hoạch nội dung, việc sử dụng Google Sheet giúp bạn tổ chức thông tin, theo dõi tiến trình và đảm bảo rằng mọi người trong nhóm đều hiểu rõ vị trí và trách nhiệm của họ. Một kế hoạch nội dung tốt trên Google Sheet thường bao gồm các hạng mục sau:

  • Tiêu đề: Tên hoặc ý tưởng cho bài viết.
  • Từ khóa: Các từ khóa chính mà bài viết sẽ tập trung vào.
  • Loại bài viết: Có thể là bài danh mục, bài bán hàng, bài thông tin, bài sản phẩm.
  • Outline: Mục lục của bài viết đã được nghiên cứu từ top 10 đối thủ.
  • Ngày đăng: Khi bạn dự định xuất bản nội dung.
  • Người viết/Chịu trách nhiệm: Ai sẽ viết hoặc sản xuất nội dung.
  • Trạng thái: Ví dụ: Đang viết, Đang chỉnh sửa, Hoàn thành.
  • Link đến bản nháp: Link trực tiếp đến Google Docs hoặc nơi bạn soạn nội dung.
  • Ghi chú: Bất kỳ thông tin bổ sung hoặc phản hồi nào từ nhóm.

Dưới đây là một bảng kế hoạch từ khóa mẫu về ô tô mà bên mình đang triển khai:

Kế hoạch Content Marketing cho Website
Kế hoạch Content Marketing cho Website

Yên trí, ở phần dưới mình có chia sẻ full không che kế hoạch này, bạn cứ kiên nhẫn đọc tiếp nha!

Xây dựng Outline cho các bài viết

Tiếp theo sau quá trình trình bày kế hoạch nội dung lên Google Sheet, việc xây dựng một outline chất lượng cho các bài viết là không thể thiếu. Đây chính là cơ sở giúp bài viết của bạn có một cấu trúc logic, mạch lạc, và đặc biệt, tối ưu hóa cho SEO.

Tại sao việc xây dựng outline lại cần thiết?

  • Đánh bại top 10 đối thủ với bài viết xuất sắc.
  • Chấm dứt những bài viết mông lung hoặc thiếu sâu sắc.
  • Cấu trúc rõ ràng giúp Google và độc giả dễ tiếp cận.
  • Thể hiện sự đồng nhất của thương hiệu qua mỗi bài viết.
  • Có thể đạt top chỉ sau 24h đăng (Nếu Website đã mạnh từ trước hoặc chủ đề ít cạnh tranh)

Ở ảnh ví dụ bên trên bạn cũng đã thấy mình có chèn cả Outline vào rồi đấy. 

Và mời bạn xem chi tiết cách xây dựng một outline “ăn đứt” top 10 ở đây nhé: 9 bước lên Outline bài viết chuẩn SEO 2023 (Mẫu cụ thể)

Triển khai nội dung dựa trên kế hoạch và outline

Sau khi đã xác định rõ kế hoạch & outline, hãy bắt tay vào việc soạn thảo nội dung nào!

Để đảm bảo bài viết của bạn không chỉ cung cấp giá trị cho độc giả mà còn thân thiện với máy tìm kiếm. Bạn tham khảo bài viết mà mình đã hướng dẫn cực kỳ chi tiết này nhé: Cách viết bài chuẩn SEO: 57 checklist đầy đủ nhất.

Danh sách các công cụ nghiên cứu từ khóa tốt nhất hiện nay

Ở phần trên mình cũng có hướng dẫn sử dụng một số công cụ nghiên cứu từ khóa rồi đấy. Tuy nhiên thì bạn có thể tiếp tục nghiên cứu thêm những công cụ dưới đây để làm bộ từ khóa của mình chi tiết hơn nữa nhé.

  • Google Trends: Xem xu hướng tìm kiếm của từ khóa theo thời gian, giúp bạn phát hiện ra những chủ đề đang hot.
  • Google Search Box: Gợi ý từ khóa dựa trên câu truy vấn bạn nhập, hữu ích để tìm hiểu về từ khóa liên quan.
  • Keyword Tool.io: Cung cấp gợi ý từ khóa dựa trên nền tảng Google, YouTube, Bing và nhiều hơn nữa.
  • LSI Graph: Tạo ra danh sách các từ khóa liên quan dựa trên nội dung của bạn, giúp tối ưu hóa SEO.
  • Google Keyword Planner: Công cụ miễn phí từ Google giúp nghiên cứu và lập kế hoạch từ khóa cho quảng cáo.
  • Ahrefs.com: Phân tích đối thủ, tìm kiếm từ khóa, và theo dõi vị trí từ khóa của bạn.
  • KW Finder: Tìm kiếm từ khóa với dữ liệu chi tiết như khối lượng tìm kiếm, độ khó, và nhiều hơn nữa.
  • SEMRush: Theo dõi vị trí từ khóa, nghiên cứu đối thủ và tối ưu hóa nội dung.
  • Answer The Public: Cung cấp câu hỏi phổ biến, câu hỏi tiềm năng dựa trên từ khóa mục tiêu.
  • Keywords Everywhere: Tiện ích mở rộng cho trình duyệt hiển thị khối lượng tìm kiếm và giá từ khóa trực tiếp trong kết quả tìm kiếm.
  • Spineditor: Công cụ chỉnh sửa và tạo nội dung, hỗ trợ việc tối ưu hóa từ khóa.
  • Moz Keyword Explorer: Phân tích từ khóa, độ khó, và cơ hội tiềm năng với các từ khóa mục tiêu.
  • Google Keyword Tools – Google Adwords: Công cụ tích hợp trong Google Ads giúp tạo và tối ưu hóa danh sách từ khóa cho chiến dịch quảng cáo.

Muốn tìm hiểu sâu hơn về từng công cụ? Đọc bài viết chi tiết tại đây.

Tải về mẫu kế hoạch nghiên cứu từ khóa cho Website #1

Chắc chắn bạn đã rất hứng thú với việc nghiên cứu từ khóa sau những chia sẻ trước đó. Để giúp bạn áp dụng hiệu quả, mình đã chuẩn bị sẵn một mẫu kế hoạch từ khóa dành riêng cho Website ở đây rồi.

Mẫu này mình cũng đang dùng và áp dụng cho hàng trăm khách hàng của Kind Content nên bạn có thể yên tâm tham khảo nhé.

Kết luận

Vậy là chúng ta đã cùng nhau khám phá hết bí mật của việc nghiên cứu từ khóa. Biết đến từ khóa, hiểu rõ keyword và thậm chí đã nắm vững bản chất của Keyword Research. Không còn là điều xa lạ nữa, phải không? 

Cùng Kind Content, mình hy vọng bạn đã học được nhiều kiến thức giá trị và có thể tự tin áp dụng chúng vào thực tế. Và đừng quên những ví dụ, mẫu kế hoạch mà mình đã chia sẻ nhé! Chúc bạn thành công và luôn đứng đầu trên hành trình SEO của mình!

Chia sẻ lên:
Đăng ký nhận tin hữu ích

Liên hệ với chuyên gia
Kind Content hôm nay